Mở bán huy động vốn khi chưa đủ điều kiện là một “canh bạc” mà nhà đầu tư dự án Khu nhà ở Toàn Thắng – Vĩnh Tân (Tên thương mại là dự án Inco City) lựa chọn để có ưu đãi về giá và vị trí căn hộ dù biết rõ việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng lựa chọn đầu tư.

Thời gian qua, tình trạng các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngang nhiên triển khai bán hàng, huy động vốn khi dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, bằng cách “lách” dưới dạng các hình thức đặt cọc, đặt chỗ, thỏa thuận đặt mua, hợp đồng góp vốn… diễn ra rất phổ biến. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây cho sự bất chấp luật này là do Chính quyền ngó lơ hay sự quản lý chưa chặt chẽ?

Chủ đầu tư “lách luật” thì “lưỡi dao” nằm về phía người mua?

Bình Dương: Dự án Inco City “gắp lửa” sang tay khách hàng?
Ảnh: Dự án Khu nhà ở Toàn Thắng thuộc trong quy hoạch sử dụng đất ở của thị xã Tân Uyên

 

Qua thông tin phản ánh, dự án Khu nhà ở Toàn Thắng – Vĩnh Tân (Tên thương mại là dự án Inco City) tọa lạc ngay tại mặt tiền đường ĐT 742, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Do công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Toàn Thắng làm chủ đầu tư, có dấu hiệu huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, chưa hoàn thiện pháp lý, chưa có biên bản nghiệm thu hạng mục công trình và cố ý làm trái với quy định của pháp luật nhưng vẫn được rao bán ngang nhiên bất chấp các quy định của pháp luật. Điều này dễ dẫn đến “nguy hiểm” người mua bị “sập bẫy” khi góp vốn, mua nhà đất tại dự án chưa đủ điều kiện.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn, ngày 12/12, trong vai là người mua, nhóm PV đến dự sự kiện Event giới thiệu dự án Khu nhà ở Toàn Thắng (Inco City) tại Khách sạn The Mira, số 555B Đại lộ Bình Dương, Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Qua tìm hiểu sự kiện được tổ chức hoành tráng gần cả ngàn khách hàng đến tham dự đặt cọc và chiết khấu.

Bình Dương: Dự án Inco City “gắp lửa” sang tay khách hàng?
Ảnh: Tại sự kiện dự án Khu nhà ở Toàn Thắng được mở bán rầm rộ

 

Theo lời giới thiệu nhân viên tư vấn, dự án Inco City được quy hoạch là khu nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 570 người: người dân, công nhân lao động, cán bộ – công nhân viên, các chuyên gia làm việc trong các khu công nghiệp của thị xã và lân cận. Dự án được quy hoạch với diện tích 2.25ha và 141 sản phẩm, diện tích trung bình mỗi nền từ 60 – 75m2. Mục tiêu kinh doanh của dự án Inco City được xây dựng nhằm giải quyết cho hơn 40.000 lao động của khu công nghiệp VSIP II mở rộng.

Theo nhiều nguồn tin mà phóng viên nắm được, dự án Inco City mới chỉ được chính quyền thị xã Tân Uyên cấp phép quy hoạch 1/500 vào ngày 26/6/2020 chứ chưa có biên bản nghiệm thu hạng mục công trình và chưa hoàn thiện pháp lý mà đã mở bán nhằm huy động vốn sớm. Vậy chủ đầu tư đã đảm bảo đúng quy định của pháp luật chưa?

Bình Dương: Dự án Inco City “gắp lửa” sang tay khách hàng?
Ảnh: Giấy phép phê duyệt quy hoạch 1/500

 

Có thể thấy, việc huy động vốn sớm này cho thấy năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư dự án, không có tiền nên phải tìm mọi cách để xoay sở vốn, “mượn” vốn ngắn hạn của khách hàng để tạo dòng tiền trong giai đoạn chưa được phép kinh doanh bán hàng.

Theo Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS, điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh quy định như sau: “Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án”. 

Vì vậy, việc huy động vốn khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán, theo quy định của Luật kinh doanh Bất động sản và Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì là hành vi vi phạm pháp luật và bị cấm.

Về chế tài xử phạt hành vi huy động vốn trái phép tại các dự án BĐS, theo Điểm a, Khoản 3, Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, với hành vi vi phạm trên, chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Đồng thời xử phạt bổ sung rút giấy phép hoạt động kinh doanh tối đa 12 tháng.

Việc Chủ đầu tư bất chấp quy định của pháp luật để lách luật huy động vốn là vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm để tránh việc các Chủ đầu tư tay không bắt giặc và khi không được ngân hàng giải ngân vốn vay sẽ không thể triển khai Dự án và sẽ xảy ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Như chúng ta đã biết, rất nhiều Dự án thời gian vừa qua trong cả nước đã bỏ hoang nhiều năm cũng chính là hệ lụy của việc huy động vốn trái phép này.

Như vậy, nguy cơ khách hàng bỏ tiền tỷ để tham gia góp vốn vào một dự án “mập mờ” thông tin pháp lý nhưng phải “nhận về trái đắng” là hoàn toàn có thật và là hậu quả tất cả các bên tham gia giao dịch đều nhận biết rất rõ trước khi giao kết hợp đồng.

Bình Dương: Dự án Inco City “gắp lửa” sang tay khách hàng?
Ảnh: Chính sách bán hàng dự án Khu nhà ở Toàn Thắng

 

Tỉnh táo trước những lời lẽ hoa mỹ của Chủ đầu tư

Để tạo sức hút với thị trường bất động sản, chủ đầu tư dự án Inco City liên tục đưa ra nhiều thông tin giao dịch mua bán trên các website và sàn với hàng loạt lời lẽ hoa mỹ như: “vị trí vàng ngay tại khu công nghiệp VSIP II, mặt tiền đường lớn, dân cư hiện đại, quy hoạch hiện đại – đạt chuẩn đô thị Singapore, hạ tầng bài bản và hàng loạt tiện ích sống”.

Quan sát thực tế, theo quan sát của phóng viên, tại khu vực Dự án Inco City vào thời điểm hiện tại trở thành phế tích hoang tàn, hàng rào bao quanh dự án lâu ngày không được duy tu sửa chữa đã đổ rạp lộ ra bên trong là bãi đất trống đầy cỏ dại, thứ duy nhất thể hiện đây đã từng là một dự án bất động sản chỉ là cánh cổng bong tróc.

Bình Dương: Dự án Inco City “gắp lửa” sang tay khách hàng?
Ảnh: Bãi đất trống dự án Icon City

 

Một dự án bất động sản chưa hoàn thiện, chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, nhưng chủ đầu tư và các đơn vị phân phối đã mở bán và tiến hành thu tiền của khách hàng là có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, đồng nghĩa rủi ro của khách hàng sẽ rất lớn nếu chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng liên quan.

Hay có thể học được, từ bài học Alibaba, nhà đầu tư cần cẩn trọng, tỉnh táo hơn khi tìm hiểu các dự án bất động sản. Đối với những khách hàng lỡ mua phải dự án “ma” thì nên báo cáo với cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra để các cơ quan này sớm vào cuộc, phanh phui những hoạt động lừa đảo nếu có, đồng thời mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Đặc biệt, đây là thời điểm cuối năm được xem là khoảng thời gian vàng để quyết định doanh số cho một năm kinh doanh. Do vậy, không ít các cá nhân, tổ chức môi giới bất động sản đã dùng mọi “chiêu thức” để thu hút dòng tiền từ khách hàng.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cần vào cuộc kiểm tra các dự án bất động sản trên địa bàn, thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5951/UBND-KTN ngày 7/12/2018 về việc phối hợp chấn chỉnh tình trạng các chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở thực hiện giao dịch khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý trong phát triển nhà và thị trường bất động sản, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn dẫn: Pháp luật Việt Nam

Link bài gốc: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/binh-duong-du-an-inco-city-gap-lua-sang-tay-khach-hang-15562/