Sáng nay Bộ Giao thông vận tải phối hợp hai tỉnh Bình Thuận, Thanh Hóa tổ chức khánh thành hai đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Trong đó đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài 47,5km, Đồng Nai dài 51,5km.
Đây là dự án duy nhất trong giai đoạn này được đầu tư cấp đặc biệt với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mỗi bên 1 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư 12.577 tỉ đồng.
Điểm đầu dự án giao điểm cuối đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Điểm cuối đấu nối tại km43+125 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai.
Trừ hai điểm đầu và cuối, cao tốc còn có 5 nút giao lên xuống trên tuyến chính gồm quốc lộ 55, tỉnh lộ 720 (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), quốc lộ 1, tỉnh lộ 765 và quốc lộ 56 (Đồng Nai).
Khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác, xe cộ ở TP.HCM xuất phát tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ thông suốt đến TP Phan Thiết (Bình Thuận), rút ngắn thời gian dự kiến từ 4 giờ xuống còn 2 giờ.
Từ đó, các nhà đầu tư có năng lực sẽ nhìn thấy được nhiều cơ hội thành công khi đầu tư vào Bình Thuận. Du lịch Bình Thuận cũng sẽ có sự tăng tốc, khi mà thời gian tới Bình Thuận được rút ngắn. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, bất động sản cũng sẽ phát triển theo khi điều kiện giao thông thuận lợi hơn.
Để phát huy hiệu quả, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến đường kết nối với ba trục quan trọng (cao tốc - QL - đường ven biển). Trong đó, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành nối cao tốc với đường ven biển ĐT.719; đường ĐT.711 nối cao tốc với đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú; 719B - Hòn Lan - Tân Hải nối TP Phan Thiết với thị xã La Gi; đường Tân Minh - Sơn Mỹ nối QL55 với QL1A và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết...
Tỉnh cũng đã thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp có khả năng tiếp cận với cao tốc như các khu công nghiệp Tuy Phong, Tân Đức, Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân), đồng thời phát triển thêm một số cụm công nghiệp ở khu vực phía nam của tỉnh để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thúc đẩy các dự án du lịch, khu đô thị mới gắn với thế mạnh du lịch biển. Tỉnh cũng đã mời một số nhà đầu tư lớn, có tên tuổi, có thương hiệu, uy tín, kinh nghiệm vào cùng nghiên cứu tiềm năng, triển vọng và góp ý trong quy trình xây dựng quy hoạch tỉnh để phát huy tiềm năng, lợi thế một cách hiệu quả nhất.
Theo các nhà đầu tư, Bình Thuận đang trở thành một vùng đất hấp hẫn đầu tư nên tỉnh sẽ tính toán thu hút những nhà đầu tư lớn, có năng lực, có uy tín trong các lĩnh vực… làm đầu tàu dẫn dắt, tạo động lực kéo theo các nhà đầu tư khác cùng tham gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.