"Trong bất kỳ trường hợp khó khăn nào, bên cạnh khó khăn, nguy hiểm thì vẫn có một số cơ hội....thí dụ như trong đại dịch covid lần này, đa số nhà đầu tư BĐS gặp khó khăn vì khó bán mà giá lại giảm. Nhưng một số nhà đầu tư khác lại thấy cơ hội để mua BĐS có vị trí tốt, mà bình thường không dể có người bán, hoặc bán giá cao", chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Trong trường hợp chủ đầu tư chào bán dự án mới, thì hoặc là họ tìm thấy cơ hội trong việc bán hàng do tự tin về sản phẩm, và không có dự án cạnh tranh (do các chủ đầu tư chưa dám mở bán, sợ tốn chi phí quảng cáo mà bán không được thì vừa tốm kém, lại vừa là "ê" dự án, sau này khó bán lại. Tuy nhiên cũng có thể họ phải buộc mở bán vì nếu không là kẹt tiền lắm, NH siết nợ ráo riết....

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho biết, khi dịch bệnh bùng phát đợt 2 phần nào đã nằm trong kịch bản ứng phó của các doanh nghiệp cũng như của Chính phủ chứ không còn bị bất ngờ như giai đoạn đầu. Các doanh nghiệp xác định phải "sống chung" với dịch bệnh trong vòng 6-12 tháng sắp tới khi mà vaccine chính thức vẫn chưa được công bố và tình hình dịch bệnh ở các nước vẫn còn phức tạp. Cần ít nhất 12-24 tháng sau đó để từng bước hồi phục nền kinh tế và nối lại chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu.

"Hiện chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đầu tư phát triển dự án, có kịch bản điều chỉnh trong tình huống mới khi xảy ra. Tuy nhiên, ưu tiên của doanh nghiệp hiện nay là áp dụng các biện áp phòng dịch an toàn nhất để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, cho tiến độ công trình và chuẩn bị chu đáo các kế hoạch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Dự kiến cuối năm nay, công ty sẽ ra mắt sản phẩm căn hộ với giá trị phù hợp với thu nhập của khách hàng", bà Hương cho hay.

Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho biết, ở thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại thì việc kinh doanh của các doanh nghiệp có 2 góc độ: Một là doanh nghiệp tìm thấy trong "nguy" có "cơ hội"; hai là doanh nghiệp không thể chờ được nữa, buộc phải kinh doanh.

Ở góc độ thứ nhất, ông Hiển cho rằng doanh nghiệp cần phải có 3 yếu tố: thứ nhất tung ra được sản phẩm mới trong khi những doanh nghiệp khác tạm hoãn lại các kế hoạch ra hàng; thứ hai sản phẩm ra mắt phải thỏa đáng với những điều kiện về chất lượng, giá cả, vị trí tốt…; thứ ba có được một đối tác (đại lý bán hàng) có uy tín và năng lực bán hàng tốt để cùng đồng hành với doanh nghiệp. Nếu hội đủ 3 yếu tố nêu trên thì doanh nghiệp có thể vững vàng trong việc kinh doanh và có thể đi "ngược sóng" trong giai đoạn này.

Còn ở góc độ thứ hai, đối với những dự án không thể dừng do doanh nghiệp bị sức ép về lãi vay ngân hàng cũng như là nhu cầu thu hồi vốn để tái đầu tư nên buộc doanh nghiệp phải kinh doanh. Ở hoàn cảnh này doanh nghiệp sẽ dễ đi vào những sai lầm do phải đẩy mạnh quảng cáo, tạo một chi phí truyền thông rất lớn, tạo ra những thông điệp, thậm chí sẽ hứa hẹn những điều tốt đẹp và hấp dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế có thể doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng hết những hứa hẹn này dẫn đến nhiều khó khăn và dễ thất bại.

Nguồn dẫn: Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển/ Phụ nữ Việt Nam