1-1667562194.jpeg
 

Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ tuyến đường Lê Lợi (đoạn từ phần giao với Phố đi bộ Nguyễn Huệ đến Công viên 23/9) đã được tháo dỡ rào chắn, hoàn thổ, tái lập mặt đường. Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, tuyến đường này sẽ chính thức lưu thông xe trở lại sau khi phần mặt bằng cuối cùng ở trước chợ Bến Thành được hoàn thiện.

5-1667562195.jpeg
 

Theo MAUR, phần ga ngầm trung tâm Bến Thành đang có chút thay đổi trong thiết kế, dự kiến cuối năm 2022 sẽ hoàn thiện phần đường xung quanh nhà ga để tiếp tục hoàn trả mặt bằng cho người dân. Khi các nhà thầu phụ bên cơ điện đặt được văn phòng làm việc dưới hầm ngầm thì MAUR sẽ tái lập lại, trả toàn bộ mặt bằng phía trên theo tiêu chí càng giống với hiện trạng ban đầu càng tốt.

2-1667562194.jpeg
 

Về việc tái lập vòng xoay trước chợ Bến Thành, trước đó tại Văn bản số 2499/BC-SQHKT gửi UBND TP.HCM báo cáo công tác thiết kế cảnh quan tổng thể khu vực trước chợ Bến Thành và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho biết, có ba phương án được đặt ra sau khi khảo sát, nghiên cứu, khái quát tổng hợp toàn bộ khu vực tuyến đường Lê Lợi, ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành và phương án chỉnh trang chợ Bến Thành.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, trong ba phương án được đưa ra thì phương án 3 phù hợp và khả thi, từng bước thực thi theo đồ án quy hoạch được duyệt và vẫn giữ được không gian văn hóa đặc trưng của thành phố.

6-1667562195.jpeg
 
3-1667562195.jpeg
 
8-1667562195.jpeg
 

Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ bước đầu hình thành quảng trường trước chợ Bến Thành. Tạo mảng xanh tại "đảo" giao thông, mảng cây xanh dọc trục trung tâm, vị trí đặt tượng, bố cục mặt bằng khu vực quảng trường phục vụ cho các nhu cầu cần thiết. Trong đó, giải pháp giao thông vẫn giữ một phần hướng tuyến đi từ đường Trần Hưng Đạo vào đường Lê Lợi để đáp ứng nhu cầu kết nối vào khu trung tâm.

Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện theo định hướng quy hoạch, kết nối đồng bộ quảng trường trước chợ Bến Thành và các dự án khác trong khu vực (công viên 23 tháng 9, đường Lê Lợi...).

4-1667562195.jpeg
 

Theo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, tháng 7/2022, Hội đồng tư vấn về kiến trúc TP.HCM đánh giá đây là thời điểm phù hợp để bắt đầu tổ chức khu vực trước chợ Bến Thành theo đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 đã được duyệt. Tuy nhiên, việc thực hiện cần được phân kỳ để đảm bảo xây dựng các tuyến giao thông ngầm kết nối phù hợp thực tế.

7-1667562195.jpeg
 

Hội đồng đề nghị Sở Quy hoạch - kiến trúc phối hợp với cơ quan liên quan lập phương án cụ thể về vị trí, hình dáng các đảo giao thông, quảng trường và đề xuất vị trí tượng đài Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang. Nghiên cứu cụ thể về ý tưởng tổ chức không gian, ưu tiên đặt tượng đài Trần Nguyên Hãn ở khu vực kết thúc trục Lê Lợi tại quảng trường, báo cáo UBND TP.HCM xem xét, quyết định.

Được biết, khu vực trước chợ Bến Thành được xây dựng vào thời Pháp thuộc, có tên gọi là quảng trường Eugène Cuniac (tên người Pháp đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn). Đến năm 1955 được đổi tên thành quảng trường Diên Hồng. 

Năm 1964, chính quyền lúc bấy giờ cho đặt tượng bán thân nữ sinh Quách Thị Trang, một liệt nữ hy sinh khi tham gia phong trào học sinh sinh viên. Một năm sau, chính quyền đã cho xây dựng tiếp tượng đài Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa trên một bệ cao, rất uy nghi.

Tháng 11/2014, tượng đài Trần Nguyên Hãn được di dời về công viên Phú Lâm, quận 6 để phục vụ thi công xây dựng nhà ga Bến Thành thuộc dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. 

9-1667562195.jpeg
 
10-1667562196.jpeg
 
11-1667562196.jpeg
 
12-1667562196.jpeg
 

Tượng bán thân Quách Thị Trang cũng được di dời về công viên Bách Tùng Diệp trên đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1. Quảng trường công viên trước chợ Bến Thành, nơi đặt hai tượng đài nói trên, cũng bị giải tỏa để phục vụ thi công Metro.

Ghi nhận cho thấy thị trường mặt bằng cho thuê trên tuyến đường dài khoảng 800 m này, từ đoạn giao với phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành, đang chuyển từ trạng thái ngủ đông sang bừng tỉnh.

Giá thuê tại một trong những khu vực kinh doanh sầm uất nhất nhì TP.HCM đã bị đẩy lên 200 - 400 triệu đồng một căn. Mức này đã tăng vọt gấp đôi, thậm chí gấp 3 - 4 lần sau 8 năm kinh doanh ế ẩm do bị biến thành công trường phục vụ thi công ga ngầm.

13-1667562196.jpeg
 

Trên các sàn giao dịch trực tuyến, từ tháng 7 đến nay, tin rao chào thuê nhà phố mặt tiền tuyến đường Lê Lợi cũng ghi nhận mặt bằng giá phổ biến 200 triệu đồng một tháng cho các căn có chiều ngang 4 - 4,8 m và chiều dài 18-25 m. Theo môi giới mặt bằng khu vực trung tâm quận 1, mặt bằng giá thuê mới trên trục đường Lê Lợi đang tăng trung bình 2-3 lần so với cách đây đôi ba năm.

Nguồn Phụ nữ mới