Colliers cho rằng năm 2022, Bình Dương sẽ là điểm nóng thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, FLC, Becamex, HUD.
Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng không có nguồn cung mới
Báo cáo mới đây của Colliers cho thấy, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến nguồn cung và hoạt động thị trường bất động sản công nghiệp tại các thành phố lớn.
Cụ thể, tại TP HCM, gần 20 khu công nghiệp rơi vào tình trạng ngừng sản xuất, các dự án khu công nghiệp đang thi công cũng bị gián đoạn trong quý III/2021. Vì vậy sang quý IV thị trường không ghi nhận thêm bất động sản khu công nghiệp mới.
Khi trạng thái "bình thường mới" được thực hiện, tình hình thị trường trở nên khả quan hơn khi các khu công nghiệp hoạt động trở lại, các dây chuyền sản xuất trở về trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, giá thuê của các khu công nghiệp cũng không có sự đột biến mạnh so với quý trước, ở mức khoảng 189 USD/m2 với tỷ lệ lắp đầy đạt khoảng 85%. Giá thuê có xu hướng tăng nhẹ do một vài khu công nghiệp có điều chỉnh giá.
Trong năm 2022, dự kiến sẽ có thêm 5 khu công nghiệp mới tham gia vào thị trường TP HCM, cung cấp hơn 4.200 ha vào quỹ đất. Trong đó, 4 khu công nghiệp tọa lạc tại huyện Bình Chánh.
Trong khi đó tại Hà Nội, hiện nay hầu như quỹ đất của các khu công nghiệp đang trong tình trạng khan hiếm với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90%. Giá thuê của thị trường này đứng đầu miền Bắc với 143 USD/m2 trong một kỳ hạn thuê.
Tương tự như TP HCM, bất động sản khu công nghiệp Hà Nội cũng rơi vào tình trạng "đóng băng" khi chỉ thị 16 được thực thi. Nhiều dự án khu công nghiệp rơi vào tình trạng hoãn thi công do giãn cách xã hội và trong quý này cũng không ghi nhận thêm các bất động sản khu công nghiệp nào mới. Dự kiến các dự án sẽ được đưa vào thị trường trong 2022 và 2023.
Tại Đà Nẵng, trong quý IV/2021, giá thuê đạt 85 USD/m2 với tỷ lệ lấp đầy đạt 90%.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong hai năm liền, bất động sản Đà Nẵng cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Sau 30 năm phát triển, Đà Nẵng đã tập trung 6 khu công nghiệp với quy mô 1.080 ha. Vừa qua, khu công nghệ cao Đà Nẵng đã diễn ra lễ khởi công dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD. Đây là dự án thứ 7 đến từ Nhật Bản đầu tư vào khu công nghệ cao Đà Nẵng và cũng là tín hiệu cho thấy bất động sản khu công nghiệp ở Đà Nẵng vẫn đang thu hút được nguồn đầu tư đến từ nước ngoài.
Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Long An sẽ là tâm điểm
Vừa qua Tập đoàn Lego đã đầu tư nhà máy thứ 6 ở Việt Nam và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được xây dựng tại Bình Dương. Dự án được đầu tư với số vốn lên đến 1 tỷ USD, dự kiến sẽ góp phần tạo thêm 4.000 việc làm.
Dự kiến trong năm 2022, Bình Dương sẽ là điểm nóng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản công nghiệp với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, FLC, Becamex, HUD.
Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Long An sẽ là tâm điểm của thị trường này nhờ vào giao thông và kinh tế đều phát triển mạnh.
Thị trường Đà Nẵng cũng hiện đang thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể Công ty Arevo Inc. (Hoa Kỳ) cũng nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (Hoa Kỳ) vốn đầu tư 110 triệu USD; Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản), vốn đầu tư 35 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Dự án EPE Packaging Việt Nam (Nhật Bản) vào Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, vốn đầu tư 300.000 USD.
Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại chính là đòn bẩy để Việt Nam thay áo cho diện mạo nền kinh tế cũng như tạo ra những kết nối chặt chẽ hơn ở thị trường bất động sản công nghiệp.
Với việc ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có hiệu lực, các nước đang nhìn vào sự thay đổi của Việt Nam, Việt Nam cũng đang có nhiều cơ hội để thu hút nhiều công ty từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam xây nhà máy sản xuất tạo cơ hội cho bất động sản khu công nghiệp ngày càng phát triển.
Nguồn dẫn: Kiều Anh/ Doanh nghiệp niêm yết
Link bài gốc: https://doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn/binh-duong-la-diem-nong-dau-tu-bds-cong-nghiep-2022-khi-vingroup-flc-becamex-hud-cung-do-ve-43202222175543333.htm