Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dự kiến lên thành phố vào năm 2025, lấy sân bay quốc tế Long Thành làm trọng tâm, các khu vực vệ tinh xung quanh sẽ là các trung tâm công nghiệp, logistics, khu đô thị, khu dân cư,... với mạng lưới giao thông đồng bộ.

Huyện Long Thành, nằm ở phía nam tỉnh Đồng Nai với diện tích 431,01 km2, gấp đôi diện tích TP Thủ Đức. Dân số tại huyện tính đến năm 2019 là 356.051 người (TP Thủ Đức gấp 2,8 lần), mật độ dân số 826 người/km2.

Huyện thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam với phía tây giáp TP Thủ Đức, TP HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Phía bắc giáp TP Biên Hoà và huyện Trảng Bom, Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Phía đông giáp huyện Cẩm Mỹ và huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phía nam giáp thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Huyện Long Thành hiện có một thị trấn Long Thành và 13 xã An Phước, Bàu Cạn, Bình An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Lộc An, Long An, Long Đức, Long Phước, Phước Bình, Phước Thái, Tam An, Tân Hiệp.

Bắt đầu từ tháng 6/2019, xã Suối Trầu đã bị giải tỏa trắng và sáp nhập vào hai xã Bình Sơn và Bàu Cạn để nhường đất làm dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Dự kiến lên thành phố năm 2025 

Mới đây, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, huyện Long Thành đã đạt 33/59 tiêu chí của một đô thị.

Các tiêu chí còn lại, cố gắng phấn đấu để có thể đến năm 2025, Long Thành trở thành thành phố, bỏ qua bước từ huyện lên thị xã.

Theo quy hoạch tương lai, Long Thành sẽ là một đô thị với 5 phân vùng được phân định rõ ràng.

Ðó là vùng thị trấn Long Thành hiện hữu mở rộng thêm với khu phức hợp công nghiệp - đô thị dịch vụ gồm xã Tam An, một phần các xã Lộc An, Long Ðức, An Phước.

Vùng đô thị Bình Sơn gồm các xã Bình Sơn, một phần các xã An Phước, Lộc An, Bình An, Long Ðức gần khu sân bay Long Thành.

Khu vực dịch vụ thương mại - hỗn hợp phía Tây của huyện gồm các xã Phước Thái, Long Phước, Long An; vùng đô thị chức năng đặc thù sân bay Long Thành; vùng công nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao phía Nam sân bay Long Thành.

Vùng huyện Long Thành được xác định sẽ là một "thành phố sân bay" - mô hình xuất hiện lần đầu tại Việt Nam. Trong đó, khu vực sân bay sẽ làm trọng tâm, phân bổ xung quanh sẽ là các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, khách sạn, vui chơi giải trí với mạng lưới giao thông đồng bộ.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cuối năm 2021, GS Ha Hun Koo, Đại học Inha, Hàn Quốc đã trao đổi các kinh nghiệm về việc phát triển thành phố sân bay và vùng đô thị sân bay từ mô hình phát triển sân bay Incheon và Air City của Hàn Quốc. Giáo sư này cho rằng, sân bay Long Thành có nhiều đặc điểm tương đồng để phát triển mô hình đô thị sân bay.

Các dự án hạ tầng trọng điểm

Ông Ha Hun Koo cho biết, Long Thành sở hữu nhiều tiềm năng, nhưng để có thể xây dựng thành công đô thị sân bay việc đầu tiên cần đưa Long Thành trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng và hiệu quả của cả nước cũng như khu vực.

Đánh dấu đầu tiên cho sự chuyển mình này là việc khởi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành đầu năm 2021, sân bay lớn nhất cả nước với quy mô hơn 16 tỷ USD, diện tích 5.000 ha.

Giai đoạn 1 của dự án đã chính thức khởi công vào đầu năm 2021. Mới đây, trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai dự án, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) sớm triển khai các hạng mục công trình tại dự án sân bay Long Thành, hoàn thành công tác xây dựng trong quý I/2025, vận hành chạy thử trong 6 tháng, đưa vào khai thác chính thức vào dịp Quốc khánh 2/9/2025.

Trong đó, giai đoạn 1 công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa nhưng công nghệ và tiện ích sẽ tương đương sân bay T4 Changi (Singapore) và Incheon (Hàn Quốc).

Về đường bộ, đến 2025, tỉnh cơ bản có mạng lưới 5 tuyến cao tốc lớn gồm: Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành vào năm 2023; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua Đồng Nai dự kiến khai thác cuối năm 2022; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai hoàn thành năm 2026; Dầu Giây – Liên Khương dự kiến hoàn thành vào quý 1/2025.

Từ nay đến thời điểm lên thành phố, Đồng Nai cũng dự kiến triển khai loạt dự án khác như nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng; đường tỉnh 773 và 770B khoảng 12.300 tỷ đồng; cầu Vàm Sứt, Hương lộ 2 - giai đoạn 1, Hương lộ 10, đường Sông Nhạn - Dầu Giây,...

hai trong số các dự án giao thông kết nối sân bay Long Thành là đường vành đai 4 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cũng dự kiến trển khai trong giai đoạn này;...

Với khoảng cách không quá xa (cách TP HCM 42 km), sau khi phát triển hoàn chỉnh, Long Thành được kỳ vọng trở thành lựa chọn nhiều cư dân đến từ các đô thị lớn như TP HCM, Biên Hòa hay Vũng Tàu khi chỉ mất 30 - 40 phút di chuyển thông qua các tuyến cao tốc.

Các dự án BĐS nghìn tỷ

Ông Ha Hun Koo cũng cho biết thêm, sau khi xây dựng Long Thành thành cửa ngõ giao thương quan trọng, tiến tới phát triển khu vực sân bay Long Thành trở thành một trung tâm logistics; đồng thời đáp ứng thêm một số yếu tố khác như trung tâm phân phối các cụm kho cảng, chợ đầu mối, các cụm về phát triển logistics và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Trên những cơ sở này, dự kiến sẽ đưa khu vực sân bay Long Thành trở thành một trung tâm công nghiệp, thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp về công nghệ thông tin, nghiên cứu sinh học, công nghiệp nano.

Khi đã trở thành một trung tâm công nghiệp thì những yếu tố tiếp theo như: tài chính, giải trí, khách sạn, hệ thống GD-ĐT cũng sẽ bắt buộc phải hình thành, phát triển theo. Như vậy, lúc này đô thị sân bay Long Thành sẽ trở thành một trung tâm thương mại, trung tâm kinh tế xung quanh sân bay.

Dựa theo những tiêu chí này, trong tương lai, Đồng Nai sẽ phát triển cụm cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, cảng Phước An thành trung tâm logistics tại Việt Nam.

Về lĩnh vực công nghiệp, tỉnh tăng diện tích đất công nghiệp thuộc 9 KCN và 4 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó gồm các KCN đầu tư xây dựng mới và KCN sẽ mở rộng diện tích như: Phước Bình 1, Phước Bình 2, Phước Bình 3, Phước Bình 4, Long Đức 3, Long Đức, An Phước, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Công nghệ cao Long Thành.

Các CCN được đầu tư trong giai đoạn tới có diện tích khoảng 68 - 75 ha gồm CCN ô tô Đô Thành, Long Phước 1, Bình An và Phước Bình. Riêng KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp sẽ có diện tích lớn nhất so với các KCN trên địa bàn huyện với quy mô 2.627 ha.

Về khu đô thị, cụm đô thị xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sẽ được quy hoạch theo mô hình vệ tinh gồm: Khu dân cư hiện hữu, khu tái định cư, khu đô thị thông minh…tổng diện tích dự kiến là 15.000 ha.

Dự kiến đến năm 2025, huyện sẽ có hàng loạt dự án khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp hoàn thành và triển khai mới, với quy mô hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

Các dự án này tập trung chủ yếu quanh khu vực sân bay Long Thành, tại các xã như Lộc An, Bình Sơn, Long Đức,... Các xã còn lại sở hữu nhiều dự án quy mô nhỏ và vừa.

Đáng chú ý có dự án Gem Sky World (xã Long Đức) quy mô 92 ha; Khu đô thị dịch vụ xã Tam An 753 ha; Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn 280 ha; Khu dân cư STC Long Thành (xã Lộc An, xã Bình Sơn) 23,4 ha; Century City (xã Binh Sơn) 49,8 ha; ID Junction, thị trấn Long Thành 40 ha; Khu dân cư TD One xã Long Phước 4,9 ha; The Golden City (xã Long Phước) 200 nền; Khu dân cư Ngân Long, xã Long Đức 4,9 ha; Khu dân cư Rich City, xã Long Đức 3 ha; Long Thành Phát Residence, xã Phước Bình 4,25 ha; Khu đô thị Long Thành Airport City, xã Tân Hiệp 6,5 ha;...

Ngoài ra, trong giai đoạn này, Long Thành sẽ triển khai khoảng 84 dự án khu dân cư, khu đô thị, khu tái định cư như khu đô thị dịch vụ ở xã Tam An 753 ha; khu đô thị Bình Sơn ở xã Lộc An, Bình Sơn 555 ha; khu dân cư - tái định cư Lộc An - Bình Sơn 282 ha; khu tái định cư Bình Sơn 284 ha; khu đô thị dịch vụ xã Tam An gần 200 ha,…

Những tác động đến thị trường BĐS

Trong tọa đàm “Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay”, ông Đỗ Việt Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết khi sân bay được hình thành sẽ tác động đến 7 phân khúc bất động sản: Nhà ở, công nghiệp, văn phòng, thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp, bất động sản hạ tầng và có thể là bất động sản du lịch tâm linh. Như vậy, trong kế hoạch ưu tiên chính là sân bay Long Thành và kết nối hạ tầng xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thông tin giá BĐS Long Thành có những biến động rất mạnh, tăng vọt so với thời điểm trước khi phê duyệt dự án sân bay Long Thành.

Theo khảo sát của người viết, tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có mức giá giao dịch từ 40 đến 65 triệu đồng/m2; một nền lớn mặt tiền lớn đang có giao dịch từ 7 tỷ đồng trở lên; STC Long Thành theo giỏ hàng đợt 4 đang có mức giá giao dịch từ 26,2 đến 73,1 triệu đồng/m2 chưa bao gồm VAT; Cetury City của Kim Oanh công bố bảng giá ngày 12/2/2022 có mức giá giao dịch từ 22,4 đến 51,6 triệu đồng/m2; khu đô thị ID Junction đợt mở bán gần đây nhất có giá trần từ 62 đến 77 triệu đồng/m2,...

Nhiều môi giới dự đoán, giá BĐS tại vùng huyện này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là đối với thị trường bất động sản du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng.

Nguồn dẫn: Nhật Minh/ Doanh nghiệp niêm yết

Link bài gốc: https://doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn/dien-mao-bds-thanh-pho-san-bay-long-thanh-den-nam-2025-4320220313055749791.htm