“Đế chế” Vạn Thịnh Phát gồm hàng loạt công ty có quy mô vốn rất lớn, từ vài nghìn tới hàng chục nghìn tỷ đồng, hầu hết đều có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiền thân là Công ty tư doanh Vạn Thịnh Phát được thành lập năm 1991, do bà Trương Mỹ Lan (tức Trương Muội) sáng lập. Trải qua 30 năm phát triển, Vạn Thịnh Phát được xem là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất về bất động sản của Việt Nam, xét theo quy mô vốn.

Thống kê của VietnamFinance cho thấy hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát gồm ít nhất 9 công ty, trong đó nhiều công ty có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Pháp nhân lõi của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Doanh nghiệp này thành lập ngày 19/6/1992, trụ sở chính tại phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM.

Ghi nhận vào thời điểm tháng 7/2014, CEO của công ty là bà Văn Xuân Thảo, sinh năm 1972, thường trú tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. HCM. Lúc này, vốn điều lệ của công ty đạt 6.000 tỷ đồng với các cổ đông: Trương Mỹ Lan 80%, Trương Chí Trung 5%, Lâm Thị Hòa 5%, Trương Mễ 5%, Ngô Thanh Nhã 5%.

Cuối năm 2015, chức CEO chuyển sang ông Hồ Bửu Phương (sinh năm 1972) rồi nửa năm sau đó lại chuyển sang bà Ngô Thanh Nhã. Bà Nhã sinh năm 1965, thường trú tại phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.

Tính tới năm 2019, dàn lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm: chủ tịch HĐQT Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956); các thành viên HĐQT: Mary Chu Duyệt Phấn (sinh năm 1995), Elizabeth Chu Duyệt Hẳng (sinh năm 1994), Trương Huệ Vân (sinh năm 1988), Trương Chí Trung (sinh năm 1961) và CEO kiêm thành viên HĐQT Ngô Thanh Nhã.

Cuối năm 2019, công ty tăng vốn điều lệ lên 13.000 tỷ đồng.

Năm 2020, cơ cấu ban lãnh đạo của công ty có sự thay đổi, theo đó: ông Trương Lập Hưng (sinh năm 1986) ngồi vào ghế thành viên HĐQT thay cho ông Trương Chí Trung; bà Trương Huệ Vân làm CEO thay cho bà Ngô Thanh Nhã.

Về tình hình kinh doanh, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của công ty khá thấp và không có nhiều biến động, lần lượt là: 15 tỷ đồng, 16,9 tỷ đồng, 16,8 tỷ đồng và 16 tỷ đồng.

Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp khá cao, trung bình đạt khoảng 50%, lần lượt các năm là: 7,3 tỷ đồng, 9,2 tỷ đồng, 9,1 tỷ đồng và 8,6 tỷ đồng.

Nhờ các khoản thu khác, lợi nhuận sau thuế của công ty còn cao hơn cả lợi nhuận gộp, đạt 9,2 tỷ đồng (2016), 8,1 tỷ đồng (2017), 9,6 tỷ đồng (2018) và tăng mạnh lên 24,6 tỷ đồng (2019).

Trong cùng giai đoạn nói trên, nhờ quá trình tăng vốn mạnh mẽ, vốn chủ sở hữu của công ty đã tăng rất mạnh từ 8.069 tỷ đồng lên 15.088 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi. Tương ứng, tổng tài sản tăng từ 12.077 tỷ đồng (2016) lên 15.464 tỷ đồng (2019), tương đương tăng 28%.

Công ty Cổ phần Quản lý và Phát triển đô thị vệ tinh Le Jardin Nam Sài Gòn

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có một công ty con sở hữu trực tiếp là Công ty Cổ phần Quản lý và Phát triển đô thị vệ tinh Le Jardin Nam Sài Gòn (gọi tắt là Le Jardin Nam Sài Gòn).

Thành lập 23/4/2015, công ty này có địa chỉ tại thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, tên ban đầu là Công ty TNHH Quản lý và Phát triển Đông Sài Gòn. Năm 2016, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Quản lý và Phát triển đô thị vệ tinh Nam Sài Gòn rồi tới tháng 4/2019 mang tên như hiện nay.

Vốn điều lệ tại năm thành lập là 100 tỷ đồng gồm các cổ đông: Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (đại diện Trương Huệ Vân) 80%, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (đại diện bà Ngô Thanh Nhã) 10% và Công ty Cổ phần Đầu tư Hermes Power (đại diện bà Đặng Thị Thanh Phương) 10%.

CEO ban đầu của Le Jardin Nam Sài Gòn là Đặng Trịnh Thanh Phương, sinh năm 1972, thường trú phường 2, quận 11, TP. HCM. Tới năm 2016, chức CEO chuyển sang cho bà Ngô Thanh Nhã – lúc này đồng thời là CEO của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đáng chú ý, trong năm 2016, cơ cấu cổ đông của Le Jardin Nam Sài Gòn ghi nhận sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Sunny World (đại diện là Lâm Khắc Vinh) với tỷ lệ sở hữu 10%, nhiều khả năng là nhận chuyển nhượng từ Công ty Cổ phần Đầu tư Hermes Power.

Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Sunny World có chung địa chỉ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, về sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World (sẽ được nói kĩ ở phần sau).

Với sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Sunny World trong danh sách cổ đông, ông Lâm Khắc Vinh (tức Trương Vicent Kinh) cũng trở thành thành viên HĐQT của Le Jardin Nam Sài Gòn. Ông Vinh sinh năm 1974, thường trú tại phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.

Năm 2017, chức chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Le Jardin Nam Sài Gòn được chuyển sang ông Nguyễn Vũ Anh Thi, sinh năm 1982, thường trú tại phường 7, quận Tân Bình, TP. HCM – một nhân vật quen mặt trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát (sẽ được nói ở phần sau). Bà Ngô Thanh Nhã không còn xuất hiện tại đây trong khi bà Trương Huệ Vân và ông Lâm Khắc Vinh vẫn đương chức thành viên HĐQT.

Tháng 5/2021, chức CEO được ông Nguyễn Vũ Anh Thi nhường lại cho ông Trịnh Quang Công, sinh năm 1990, thường trú phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của Le Jardin Nam Sài Gòn rất “khiêm tốn” và trồi sụt khá mạnh, từ 5 tỷ đồng lên 9,4 tỷ đồng rồi sụt xuống 6,9 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp cũng vì vậy mà không lớn, lần lượt đạt: 3,6 tỷ đồng, 5,2 tỷ đồng, 6,6 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng.

Kết quả là sau 3 năm có lãi sau thuế (2016 – 2018 lãi lần lượt là: 1,9 tỷ đồng, 3,8 tỷ đồng, 3,2 tỷ đồng), Le Jardin Nam Sài Gòn báo lỗ vào năm 2019 với khoản lỗ 4,8 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát

Thành viên quan trọng thứ hai trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát. Công ty này được lập ra ngày 28/6/2007, địa chỉ tại phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM.

Ghi nhận tới tháng 4/2019, bà Ngô Thanh Nhã làm chủ tịch HĐQT kiêm CEO; các thành viên HĐQT gồm: ông Trương Lập Hưng, bà Trương Huệ Vân; các thành viên ban kiểm soát gồm: ông Phan Thanh Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, ông Phạm Thanh Thảo.

Tháng 5/2019, bà Nhã thôi chức chủ tịch HĐQT, chỉ còn làm CEO, người thay thế là ông Trương Chí Trung.

Tới tháng 1/2020, ban kiểm soát ghi nhận thành viên mới là bà Lương Thị Hồng Nhung, sinh năm 1965.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy tình hình kinh doanh của Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát khá ổn định. Ngoại trừ năm 2017 doanh thu đột biến lên 524 tỷ đồng, các năm 2016, 2018 và 2019, doanh thu lần lượt đạt: 288 tỷ đồng, 331 tỷ đồng và 323 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp diễn biến khá đồng đều trong cùng giai đoạn, đạt 95,5 tỷ đồng (2016), 97,7 tỷ đồng (2017), 88,3 tỷ đồng (2018) và 91,8 tỷ đồng (2019).

Kết quả, Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát có lãi sau thuế trong 4 năm này, lần lượt là: 28,5 tỷ đồng, 22,9 tỷ đồng, 20,7 tỷ đồng và 28,9 tỷ đồng.

Về quy mô vốn, giai đoạn 2016 – 2019, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát tăng nhẹ qua các năm, từ 12.875 tỷ đồng (2016) lên 12.945 tỷ đồng (2019).

Trong khi đó, quy mô tài sản trồi sụt mạnh hơn với xu hướng chung là giảm, từ 25.592 tỷ đồng xuống 21.838 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát có khối nợ phải trả rất lớn, dù đã giảm rất mạnh từ hơn 12.700 tỷ đồng (2016) xuống gần 8.900 tỷ đồng (2019).

(Còn tiếp)