Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid 19 đang bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà đầu tư; tuy nhiên, với nỗ lực vượt mọi khó khăn, Nhà đầu tư vẫn cố gắng bố trí mọi nguồn lực, chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu để thực hiện đúng tiến độ đã cam kết với UBND TPHCM.

Theo đó, với sự tập trung nỗ lực triển khai thực hiện (thi công liên tục 3 ca/ngày, kể cả lễ tết, dịch COVID 19), tính từ thời điểm khởi công công trình tháng 4 năm 2017, đến nay khối lượng thi công ước đạt khoảng hơn 70%. Đặc biệt, phần cầu chính đã hoàn thành lắp đặt 13/17 đốt dầm thép nhịp S2 đến S1, căng 44/56 bó cáp dây văng, hoàn thành 30/34 đốt trụ tháp. Trong thời gian tiếp theo sẽ tiếp tục triển khai thêm các mũi thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình và nổ lực để:

+ Ngày 14/7/2021: lắp đặt đốt dầm số 14, căng bó cáp số 45,46, lắp đặt đốt trụ tháp số 31;

+ Ngày 02/9/2021: hợp long nhịp chính và trụ tháp, nối liền 2 bờ Quận 1 và Thành phố Thủ Đức;

+ Quý II năm 2022: hoàn thành cơ bản công trình, tổ chức thông xe phần cầu chính.

  • Về tiến độ dự án

Tuy hiện nay đang trong cao điểm của đợt dịch Covid 19, Chủ đầu tư vẫn quyết tâm yêu cầu các nhà thầu thi công trên công trường thực hiện các giải pháp cách ly theo chỉ đạo của UBND TPHCM, vừa đảm bảo thi công trên công trường vừa đảm bảo 5K, đảm bảo vừa thi công đúng tiến độ vừa an toàn chống dịch như tập kết vật tư thiết bị tại công trường, chuẩn bị mọi phương án thi công.

Đối với cầu chính nhịp dây văng, các phân đoạn phụ của dầm thép được gia công, tổ hợp tại Nhà máy ở Hải Phòng sau đó được vận chuyển đến nhà máy tại Vũng Tàu bằng đường biển, cự ly khoảng 1500km để tổ hợp các phân đoạn phụ thành đốt dầm thép hoàn chỉnh rồi vận chuyển các đốt dầm thép hoàn chỉnh về công trường để triển khai lắp đặt. Nhịp cầu chính dây văng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành, thông cầu chính từ quận 1 sang Thành phố Thủ Đức, đến nay đã lắp đặt được 13/17 đốt dầm, căng cáp dây văng đạt 44/56 bó và thi công đốt trụ tháp đạt 30/34 đốt.

  • Về công tác thi công tại công trường trong mùa dịch

Hiện nay, các hoạt động trên công trường đảm bảo công tác phòng chống Covid-19 như: Kiểm soát nhân sự ra vào công trường, hạn chế tối đa các nhân sự không thật sự cần thiết, tổ chức trao đổi công việc online, các công nhân ngoài công tác bảo hộ đều được trang bị khẩu trang, bố trí dung dịch khử khuẩn tại văn phòng công trường, định kỳ khử khuẩn công trường…

Trong tình hình dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp, đồng thời Thành phố áp dụng Chỉ thị 16, để hoàn thành mục tiêu kép “chống dịch vừa sản xuất, sản xuất để chống dịch”, ban Quản lý Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã tổ chức thi công dự án theo mô hình 3 tại chỗ: thị công tại chỗ, chống dịch tại chỗ, ăn ở tại chỗ. Khoảng 120 kỹ sư, công nhân được bố trí làm việc theo ca và ở lại công trường, được bố trí chỗ nghỉ ngơi và ăn uống.

Thông tin chi tiết về Dự án

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức Hợp đồng BT được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 02/02/2014. Theo đó, mục tiêu chính của dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 để kết nối giao thông giữa Trung tâm đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhằm tạo động lực phát triển nhanh cho Khu đô thị sáng tạo phía Đông, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội Thành phố Thủ Đức nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, với các nội dung chính như sau:

- Quy mô dự án: Tổng chiều dài công trình khoảng 1.465m. Trong đó:

+ Đường dẫn phía Quận 1: dài khoảng 35l,6m; chiều rộng từ 39,3m đến 57m.

+ Đường dẫn phía TP. Thủ Đức: dài khoảng 227,7m; chiều rộng 36,2m.

+ Phần Cầu: dài khoảng 885,7m gồm nhịp chính có kết cấu dây văng và các nhịp dẫn bằng BTCT; mặt cắt ngang cầu đáp ứng 06 làn xe; phía Quận 1 gồm 03 nhánh cầu.

+ Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, chiếu sáng, cấp thoát nước,...) đồng bộ với tuyến đường.

- Các đơn vị tham gia dự án gồm:

+ Cơ quan quyết định đầu tư: Ủy ban nhân dân Thành phố.

+ Cơ quan quản lý chuyên ngành: Sở Giao thông vận tải.

+ Nhà đầu tư: Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.

+ Tư vấn thiết kế: Công ty TNHH WSP Phần Lan.

+ Tư vấn giám sát: Công ty TNHH Dasan Consultants.

+ Các nhà thầu xây lắp: Công ty Freyssinet International ET Compagnie, Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam, Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An, Công ty CP Đạt Phương, Công ty Cổ phần Công trình Giao Thông Sài Gòn, Liên danh Công ty TNHH Mai Tiến Thành và DNTN Thương Mại – Dịch vụ Tân Vũ.