Được sự chấp thuận của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắc Lắc, ngày 31/12/2020, Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam chính thức có hiệu lực pháp lý. Trải qua hơn 7 tháng triển khai thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt lại phải gồng mình phòng chống đại dịch Covid-19, nhưng với tinh thần vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, tập thể cán bộ, CNV, người lao động thuộc Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (thành viên của Trungnam Group) đã năng động, sáng tạo, lao động hết mình, quyết tâm đưa công trình vào vận hành đúng tiến độ.

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam nằm trên diện tích 600 ha đất thuộc 3 xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, công suất thiết kế 400 MW, với quy mô 84 trụ gió, kết nối hệ thống 1,2 km đường dây 500 kV. Dự án có tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm do Công ty cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (Trungnam Dak Lak 1 Wind Power) làm chủ đầu tư. Đây là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk, và cũng là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay, được Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch điện VII và UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định cho đầu tư vào 31/12/2020.

Quá trình vận chuyển đầy cam go

Trong hơn 7 tháng kể từ ngày Dự án được chấp thuận, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã huy động toàn bộ nhân tài vật lực tập trung thi công phấn đấu đến tháng 11/2021 đưa Nhà máy vào hoạt động. Đây là dự án được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế và giá trị năng lượng xanh, sạch phục vụ địa phương và khu vực.

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam có 2 trạm biến áp 500 kV - 450 MVA đấu nối chuyển tiếp lên đường dây 500 kV Pleiku - Di Linh. Theo tính toán của nhà đầu tư, sau khi Nhà máy đưa vào sử dụng hàng năm sẽ bổ sung khoảng 1.173,6 GWh vào nguồn điện quốc gia. Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, nhà đầu tư sẽ nộp vào ngân sách địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và khoảng 250 tỷ đồng thuế GTGT/ năm. Đặc biệt, khi đi vào khai thác Nhà máy điện gió Ea Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát khí thải nhà kính; đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắc Lắc trong thời gian tới.

Triển khai thực hiện dự án trên địa bàn rừng núi trải rộng trên diện tích khoảng 6.000 ha, xen lẫn khu vực chuyên canh nông nghiệp và sinh sống của bà con các dân tộc thuộc 3 xã: Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Để tạo được sự đồng thuận của người dân và chính quyền sở tại, Công ty cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 xác định: Muốn phát triển sản xuất phải thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Xuyên suốt quan điểm đó, lãnh đạo Công ty thường xuyên đi sâu nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, phối hợp với cấp ủy, chính quyền khắc phục kịp thời những khó khắn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo môi sinh, môi trường và giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng dự án.

Vừa đảm bảo tiến độ công trình, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân vùng dự án và hạn chế tối đa tác động môi trường, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã bổ sung hơn 10 tỉ đồng để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Đồng thời, Công ty đã cam kết sửa chữa các đường giao thông bị ảnh hưởng do dự án và tăng cường phát triển, xây dựng các dự án an sinh xã hội tại địa phương như: Tài trợ vốn xây dựng 11 nhà tình nghĩa với tổng giá trị hơn 550 triệu đồng và nhà văn hóa của 3 xã Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang. Chương trình đang được triển khai thực hiện và sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Theo đó, khi dự án đi vào vận hành, người dân sẽ thụ hưởng trực tiếp hơn 54 km đường giao thông từ các tuyến đường của dự án.

Chia sẽ với Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 cho biết: Trong quá trình xây dựng, chúng tôi hết sức coi trọng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lợi ích của địa phương và người dân trong vùng dự án. Bởi vậy, xuyên suốt quá trình xây dựng nhà máy, chúng tôi cam kết giảm thiểu đến mức tối đa những tác động ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của mọi người dân trong vùng dự án, cũng như mong muốn tạo nên mối liên kết mật thiết với địa phương để cùng đồng hành phát triển, nhằm mang đến nguồn lợi kinh tế cho tỉnh, cho doanh nghiệp, tạo thêm việc làm, sinh kế cho người dân và hơn hết là mang các giá trị tốt đẹp nhất từ một dự án năng lượng tái tạo bền vững./.

Nguồn dẫn: Tạp chí Năng lượng

Link bài gốc: http://nangluongvietnam.vn/news/vn/dien-hat-nhan-nang-luong-tai-tao/du-an-nha-may-dien-gio-ea-nam-hien-thuc-va-ky-vong.html