Đúng là có ra đời, có làm thì mình mới vỡ ra được nhiều điều. Nghề môi giới cũng vậy. Cứ ngỡ là an nhà, quần áo thơm tho, lượt là bóng bẩy nhưng hoá ra thì “vất vả dễ gì giấu diếm”.

Đây là câu chuyện tâm sự của anh Văn H về câu chuyện lấn sân sang nghề môi giới của mình. Trước đây, anh H học chuyên ngành kỹ thuật địa chất của trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường. Sau khi tốt nghiệp, có theo đúng chuyên ngành làm việc cho một công ty tư nhân. Lương tháng 7 củ, ngồi một chỗ, ngoài thu nhập từ lương ra không có thêm nguồn thu nhập nào. Tính ra tiền thuê nhà, ăn uống, xăng xe thì cũng chả còn dư ra được là bao.

Sau nửa năm làm việc, thấy chán quá, suốt ngày ngồi 1 chỗ, ê ẩm cả mông, khéo lại bị tr.ĩ. Quanh đi quẩn lại mới thấy không có tương lai nếu cứ ngồi đây, anh H bèn nghĩ đến chuyện “nhảy việc”. Thằng bạn chí cốt mới giới thiệu cho nghề môi giới. Nó kể có tháng nó bán được 2 căn biệt thự, tài khoản ting ting vài trăm triệu đồng. Rủng rỉnh ăn chơi cả tháng cũng không hết. Thấy nó đi làm có nửa năm, đã đổi xe, khoe sắp cọc căn chung cư, anh H thấy hứng bèn liên lạc ngay hỏi có trống ghế không, cho xin sang làm với.

Tay ngang vào nghề, chưa có bất kỳ kinh nghiệm, kiến thức hay trải nghiệm nào, nên ban đầu anh H kể mình khá bị “sốc”. Trước khi làm anh nghĩ, ui zời, người ốm cần gặp bác sĩ thì người mua nhà cần gặp môi giới thôi, lo gì không bán được nhà. Nhưng đi làm rồi mới biết, đời không như là mơ. Hàng ngày anh phải gọi gần 200 cuộc điện thoại mà phần lớn bị từ chối, thậm chí bị chửi nên anh không tránh khỏi áp lực.

Thời gian đầu, nhận được điện thoại của khách đã là quá mừng nên ai hẹn anh cũng sẵn sàng đi gặp ngay, không cần đánh giá khách có tiềm năng hay không. Có lần khách hẹn anh đến tư vấn giữa trưa nắng 40 độ C, anh đi gần 20km nhưng khi đến địa điểm hẹn gọi cho khách thì chỉ nghe thấy một giọng nói quen thuộc, không vui vẻ là mấy “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”.

3 tháng vật vã với nghề, dần nản chí, anh mới ngộ là “vỡ mộng” rồi. Đúng lúc ở đáy vực thẳm, anh bất ngờ ký được 2 hợp đồng căn hộ chung cư. Anh mừng quýnh và nghĩ những cố gắng trước đó của mình cuối cùng cũng được đền đáp. Niềm vui chẳng bao lâu thì sau đó, anh lại triền miên chuỗi ngày “đi làm từ sáng sớm, về nhà khi đèn đường đã tắt” nhưng không có hợp đồng.

Khoảng thời gian hơn 1 năm sau đó, anh gần như dậm chân tại chỗ khi không bán thêm được sản phẩm nào dù anh đã thử nhiều cách tiếp cận khách hàng khác nhau như chạy quảng cáo. Quá mệt mỏi và nghĩ mình không có duyên với nghề, không thể gắn bó lâu dài nên anh từ bỏ công việc môi giới. Anh H nói: “Không thể phủ nhận sau gần 2 năm làm nghề môi giới, tôi học được rất nhiều thứ, rèn luyện được khả năng giao tiếp, sự tự tin, tính kiên trì và cả con mắt nhìn đời. Nhưng có lẽ ngay từ khi bắt đầu, tôi đã định hướng sai và chưa có chiến lược cụ thể cho mình. Đúng là chỉ khi bắt tay vào làm thì mới hiểu hết cái khó của nghề”.

Thế mới nói, nghề này hoàn toàn không hề dễ dàng, áp lực nhiều và mức độ đào thải cũng rất khắc nghiệt. Không phải chỉ cần bạn nói hay, dẻo miệng là có thể chốt deal được đâu.

Thống kê phần lớn nhân sự nghề môi giới hiện nay là rất trẻ, dưới 30 tuổi. Nhưng thực tế thì phần lớn những người trẻ này tới với nghề môi giới vì họ chưa xin được việc đúng chuyên ngành. Môi giới chỉ là lựa chọn tạm bợ thôi, nên làm gì có những mục tiêu, định hướng, kế hoạch phát triển cụ thể. Muốn thành công với nghề này, bạn phải có tính kiên nhẫn và một lộ trình, kế hoạch thăng tiến cụ thể cho bản thân.

Ngoài ra, do đặc thù của ngành này, bạn phải trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức về thị trường, phong thuỷ, luật pháp, kiến trúc… Vì khách hàng giờ họ thông minh lắm, nghe tư vấn là biết ngay ai có trình độ hay không. Muốn khách hàng tin, bạn phải biết nhiều, để tư vấn cho họ đúng cái họ đang cần nhất. Công nghệ thông tin, marketing/pr thông qua mạng xã hội cũng là những thứ mà người môi giới cần biết và học.

Tác giả: Cortex Tran