Bình Dương so về vị thế và tiềm lực thì không bằng Đồng Nai. Nhưng bằng sự quyết liệt, năng động, cởi mở của chính quyền nơi đây đã làm cho Bình Dương trở nên rất có giá, làm cho người ta muốn đến đây để đầu tư nhất ở khu vực phía Nam sau TP. HCM. Bây giờ cờ đã nằm trong tay Bình Dương, họ sẽ nắm chắc lá cờ và phất, không đời nào họ để tuột mất lá cờ vào tay người khác. Trong tương lai mặc dù Đồng Nai có sân bay Long Thành, được đầu tư nhiều về hạ tầng nhưng chắc chắn sức hút của Bình Dương sẽ không giảm.

Về mặt hạ tầng giao thông ngoài Bà Rịa – Vũng Tàu thì không có tỉnh nào tốt như Bình Dương. Các con đường huyết mạch liên tục được đầu tư nâng cấp và mở rộng. Điều đặc biệt nhất tôi nhìn thấy triển vọng lớn của Bình Dương là một đường cao tốc kéo dài từ ngã 3 Dầu Dây qua Bình Dương, qua Củ Chi, qua Long An và kết nối với cao tốc Saigon - Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận. Cao tốc này sẽ giúp kết nối phát triển kinh tế giữa miền Đông, miền Tây và Tây Nguyên, giảm áp lực giao thông cho trung tâm TP.HCM, đặc biệt là Quốc lộ 1A. Tôi dự đoán cao tốc này sẽ có trong khoảng 5 – 10 năm tới, mặc dù bây giờ vẫn chưa có trong kế hoạch.

Chính quyền Bình Dương cởi mở, năng động, tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư làm ăn tại địa phương. Bên cạnh đó đời sống dân sinh, bệnh viện, trường học ở Bình Dương không thua kém bất kỳ tỉnh thành nào. Đi Bình Dương bạn cũng sẽ rất ít khi gặp “Biệt đội núp lùm’’ – Một đội quân không tạo ra lợi ích nhưng gây ức chế thì nhiều. Điểm trừ của Bình Dương có lẽ là trạm thu phí quá nhiều.

Bình Dương đang có hai thành phố Dĩ An và Thuận An phát triển rất tốt trong những năm qua. Nếu bạn đến khu vực trung tâm thành phố dĩ An thì sẽ thấy ở đây nhộn nhịp, sầm uất không thua kém gì các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh của TPHCM. Đặc biệt trong thời gian tới 2 thành phố này sẽ phát triển cộng hưởng tạo ra một dãy thành phố kéo dài gồm Thủ Đức, Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một. 04 thành phố nối thành một dãy sẽ phát triển rực rỡ.

Khi thành phố Dĩ An, Thuận An phát triển thì các nhà máy, công xưởng sẽ được dời ra các huyện xa hơn. Lúc đó Dĩ An và Thuận An sẽ là trung tâm văn hóa, giáo dục, giải trí còn các huyện vùng ven phát triển công nghiệp. Nhiều người sẽ phản biện tôi rằng khi phải di dời thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn các tỉnh lân cận. Tuy nhiên vì nhiều lý do các doanh nghiệp sẽ tiếp tục ở lại Bình Dương. Đó là: (1) Không dễ gì chuyển cuộc sống của hàng ngàn công nhân đến một vùng mới quá xa; (2) Khi đến tỉnh khác có ưu đãi thì Bình Dương họ cũng sẽ có ưu đãi không thua kém. Không dại gì họ để con gà đang đẻ trứng vàng đi qua nhà hàng xóm đẻ được; (3) Thường sống đâu quen đó, sau bao nhiêu năm làm ăn ở Bình Dương họ hiểu văn hóa, con người, chính quyền nơi đây rồi thì họ cũng sẽ gắn bó tiếp. Cùng lắm thì họ mới chuyển đi nơi khác.

Bình Dương có người anh em ruột là Bình Phước. Hai tỉnh này có mỗi quan hệ anh em thân thiết, khi Bình Dương hết quỹ đất thì có thể bay qua nhờ vả, giúp đỡ người anh em phát triển. Bình Dương đã chứng tỏ mình là ông anh có năng lực và thực lực nói được làm được nên sẽ dễ dàng nhận được cái gật đầu của chú em Bình Phước – Một mối quan hệ hợp tác cộng hưởng, cả hai bên đều rất có lợi.

VẬY BÌNH DƯƠNG NÊN ĐẦU TƯ KHU VỰC NÀO?

Đầu tiên là Dĩ An, Thuận An mặc dù giá cao (cỡ 50 – 80tr/m) nhưng với vị thế của mình thì 2 thành phố này vẫn còn tiếp tục tăng. Đặc biệt là các vùng ngoại ô của hai thành phố này vẫn còn rẻ so với trung tâm. Nhìn tổng thể thì hai thành phố này có gì đó tương đồng với quận Phú Nhuận của TP.HCM cho nên vẫn còn tăng.

Riêng thành phố Thủ Dầu Một đã phát triển và ổn định từ lâu, dân cư ổn định, đất trống không còn nhiều nên không còn dư địa phát triển trong khi giá đất lại cao. Nếu đầu tư ở Bình Dương thì tôi sẽ loại TDM ra khỏi danh mục xem xét. Cũng phải nói thêm về thành phố mới Bình Dương bên cạnh TDM hiện tại đang hoang vắng như thành phố ma và trong 5 – 10 năm tới ở đây vẫn sẽ ảm đạm. Nguyên nhân là: (1) Ở đây gần như không có tiện ích dân sinh gì để sống; (2) Giá đất ở đây quá đắt so với các vùng lân cận cách đó vài km. Người thu nhập thấp thì không đủ điều kiện để mua, người có tiền thì không ai chui vào một nơi vừa xa ánh đèn đô thị vừa hoang vắng đó để ở. Nếu có lỡ về đó thì mấy bữa họ cũng bỏ đi vì họ có nhiều lựa chọn, vì sợ ở đó bị trầm cảm.

Tiếp đến là Tân Uyên và Bắc Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng. Những địa phương này nằm sát cạnh thành phố TDM, có nhiều KCN lớn nên trong tương lai không xa cũng sẽ phát triển không kém gì Thuận An và Dĩ An. Dầu Tiếng chưa có nhiều điểm nhấn, nếu đầu tư trung hạn 3-5 năm sẽ tốt. Riêng Phú giáo có lẽ chỉ phù hợp với đầu tư dài hạn 5 – 10 năm vì tôi thấy chưa có dấu hiệu gì để bung lụa.

Lưu ý là các huyện, thị xã, thành phố của Bình Dương rất rộng nên không phải cứ trong huyện, thị đó là tốt. Nó còn tùy thuộc vào tuyến đường, tiềm năng kết nối và đặc biệt là khả năng phán đoán của bạn rằng “vị trí đó tương lai nó thế nào?”. 3 tháng trước tôi đi với anh bạn của mình lên Bình Dương mua đất. Anh bạn tôi xem lô đất xong anh ấy nói không thích lắm, trong khi tôi lại rất thích, tôi thấy nó rất đặc biệt nên tôi đã khuyên anh bạn tôi đầu tư. Tôi nói lô đất đó mua xong sẽ tăng giá nhưng anh bạn tôi lại không tin. Cuối cùng chúng tôi làm một cuộc thi gan “Nếu sau 3 tháng lô đất đó không tăng giá tôi mất cho bạn tôi 200tr, nếu tăng giá anh bạn tôi mất cho tôi 200tr’’. Tuần trước bạn tôi bán lại lô đất đó lời hơn 5 tỷ và anh bạn của tôi đã hào phóng đưa cho tôi 400tr gồm 200tr thua độ và 200tr cảm ơn.

Bài Viết của Tác giả Quốc Bình/ Góc Review