Với việc thông qua nghị quyết (với 100% tán thành) về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác lập mô hình Thành phố trong Thành phố đầu tiên tại Việt Nam. Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021, nghị quyết giao: "Chính phủ, HĐND, UBND TP.HCM và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành nghị quyết này; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn".

TP Thủ Đức rộng hơn 21.000ha, gấp hơn 50 lần quận 4, và hơn 1 triệu dân. Cốt lõi việc hình thành TP Thủ Đức là tạo ra một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo trên nền tảng kinh tế tri thức từ các trụ cột sẵn có. Đó là biến ĐHQG TP.HCM thành trung tâm công nghệ giáo dục; biến Khu công nghệ cao thành trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ. Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam, trung tâm tài chính, trung tâm nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng hình thành tại đây.

Hướng đến kết nối các trường ĐH với các dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính. TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM và khoảng 7% GDP cả nước. TP.HCM cũng đang phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông tính toán các tiêu chí, xác định phát triển kinh tế... Nôm na là hình thành "biệt đội" doanh nghiệp giỏi, chuyên gia giỏi về kinh tế số, giúp các doanh nghiệp chưa hiểu về kinh tế số vận hành nó.

Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, đầu tiên là hạ tầng giao thông, cuối năm 2021 phải vận hành cho được tuyến metro số 1; hoàn thành sớm cầu Thủ Thiêm 2 và triển khai tiếp các cầu khác từ Thủ Thiêm qua các quận. Thứ hai, phải làm cho môi trường sống tốt hơn thông qua các chương trình như: nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch...

"Đã có dự kiến vận động trồng 1 triệu cây xanh tại TP Thủ Đức và chính quyền sẽ vận động, hỗ trợ người dân cùng thực hiện. TP Thủ Đức phải chuyển động, người dân phải thấy cuộc sống của mình tốt hơn, đó là mục tiêu hàng đầu", ông Phong nói thêm.

Thứ ba, triển khai xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư 8 khu đô thị:

Thứ nhất là Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính. Khu đô thị này sẽ thu hút các hoạt động công nghệ tài chính. Đây là vị trí lý tưởng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo ven mặt nước trong cự ly gần tới trung tâm hiện hữu thành phố.

Thứ hai là khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc. Khu liên hợp này đã được quy hoạch về phát triển thể dục thể thao và chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần, khai thác xu hướng ngày càng phổ biến của lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ này tại Đông Nam Á. Đây là một trong các lợi thế cạnh tranh giúp TP.HCM trở nên khác biệt với các đô thị trong vùng, giúp cho việc thu hút người lao động có thu nhập cao chọn địa điểm sinh sống tại TP.HCM.

Thứ ba là Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học. Khu công nghệ cao hiện đã có các đầu tư giáo dục quốc tế và công ty sản xuất sử dụng công nghệ cao. Còn Công viên khoa học tại phường Long Phước, quận 9 đang tiếp tục hình thành và đầu tư xây dựng.

Thứ tư là khu Đại học Quốc gia thành phố - Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục. Ông Nhã cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư lớn cho các dự án phát triển gần Đại học Quốc gia thành phố.

Thứ năm là khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái. TP.HCM sẽ tận dụng các điều kiện tự nhiên của khu vực phía đông quận 9 để thúc đẩy du lịch sinh thái, đặt ga đường sắt cấp vùng và trung tâm chế biến thực phẩm để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực cũng như nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực.

Thứ sáu là khu Trường Thọ - Đô thị tương lai. Ông Nhã nói đây là một địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị”. Với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật, khu Trường Thọ có vai trò như một khu đô thị mới với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải mới và thông tin mới.

Thứ bảy là trung tâm kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ - khu cảng quốc tế Cát Lái. TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ cảng để hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ tám là trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trên tất cả các khu vực được phép xây dựng công trình tại 3 quận phía đông, TP.HCM sẽ thực hiện quản lý linh hoạt cho phép tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Với 8 trung tâm trên, việc quy hoạch, đầu tư và hợp tác để xây dựng một khu đô thị sáng tạo không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, tài chính mà còn mang đến cơ hội quy hoạch phát triển đô thị dài hạn bền vững, thích ứng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện của TP.HCM.

"Việc này sẽ thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân" Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Dự án Bến xe miền Đông mới
Hàng loạt dự án căn hộ đã và đang phát triển dọc tuyến metro

 

Nguồn hình ảnh: Hình ảnh thuộc bản quyền của MXH Vietnam Property Forum và Thị Trường Địa Ốc. Do vậy, mọi sao chép, sử dụng lại dưới nhiều hình thức, nhất là kinh doanh – thương mại phải được sự chấp thuận bằng văn bản từ Ban Biên Tập của MXH Vietnam Property Forum và Thị Trường Địa Ốc.