Trải qua một thập kỷ thăng trầm, thị trường bất động sản đã liên tiếp đảo chiều với những dấu mốc khó quên, từ sự suy thoái đi lên thời kỳ đỉnh cao, rồi bỗng nhiên rơi xuống nốt trầm bởi đại dịch Covid-19. Xu hướng Nam tiến ồ ạt của năm nào đang bị thay thế bởi dòng chảy tài chính ngược về phía Bắc, đổ về các thị trường mới và rời xa vùng trung tâm. Trước xu thế dịch chuyển đó, doanh nghiệp bất động sản đang có những bước đi chậm mà chắc để đón đầu các cơ hội mới, cùng góp phần thiết lập thị trường bất động sản ngày càng bền vững hơn.

Nhìn lại thị trường trong thập kỷ qua (từ năm 2010 - 2020) có thể thấy, 10 năm vừa qua là giai đoạn thị trường bất động sản có tốc độ phát triển nhanh nhất. Ở thời kỳ đầu, thị trường bất động sản Việt Nam so với thế giới là một thị trường non trẻ. Thị trường bất động sản Việt Nam không khác gì một đứa trẻ với những bước đi chập chững đầu tiên.  Tiếp đó là giai đoạn đi chậm một chút nếu không là vấp ngã. Càng về sau, thị trường càng có những bước đi nhanh hơn, có những giai đoạn tăng trưởng nóng đến mức chúng ta nghe đến khái niệm "bong bóng bất động sản". Có thể nói, chu kỳ 10 năm của thị trường bất động sản có những giai đoạn lên và xuống. Tiếp đến chu kỳ 20 hay 30 năm nữa cũng sẽ có những lúc lên - xuống và điều đó sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ phát triển của thị trường.

Thị trường bất động sản 10 năm có thể chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ 2009 - 2013): Đây là giai đoạn kinh tế bị suy thoái, lạm phát cao, tỷ lệ tín dụng tăng trưởng cao, giai đoạn này thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Giai đoạn 2 (từ 2014 - 2019): Đây là giai đoạn thị trường hồi phục mạnh mẽ, có sự thay đổi cả về chất và lượng. Chất ở đây được hiểu là những chính sách ban hành liên quan đến thị trường bất động sản như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng... Cũng từ đây, thị trường mở ra nhiều cơ hội với các sản phẩm bất động sản mới như: Condotel, officetel, bất động sản công nghiệp…

Giai đoạn 3 (từ năm 2019 - 2020): Nguồn cung bất động sản hạn chế do việc kiểm soát về pháp lý chặt chẽ từ Chính phủ, các chính sách được ban hành khiến cho nguồn cung của thị trường bị ảnh hưởng. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, đồng thời thay đổi tất cả hành vi của người tìm kiếm bất động sản. Giờ đây, người mua và người bán có thể thông qua hình thức công nghệ để tìm đến với nhau.