Xin xem thêm Bài 1: https://thitruongdiaoc.vn/2020/12/cau-thu-thiem-4-khi-nao-moi-xay-bai-1/

Hiện nay, TPHCM đang hướng mọi sự chú ý về thành phố trong thành phố: thành phố phía Đông - TP. Thủ Đức, tất yếu là mọi sự chú ý, nhân lực và cả ngân sách sẽ dồn về "địa chỉ" này. Do đó, để phát triển thành phố Thủ Đức trở thành Đô Thị Sáng Tạo, thành cửa ngỏ phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng, phát triển đột phá về đào tạo và công nghệ cao, thì rất cần việc liên kết vùng tới khu vực liền kề lân cận. Trong khi đó, liên kết vùng yếu nhất từ thành phố Phía Đông là tới khu vực Nam Sài Gòn, nơi tập trung khá nhiều khu vực trọng điểm về kinh tế như Cảng Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nguyễn Văn Linh. Nếu cây cầu Thủ Thiêm 4 được xây dựng thì sẽ giải quyết được hiệu quả nút thắt liên kết quan trọng này.

Ngược lại với điều đó, sự phát triển quá nhanh chóng của khu Nam Sài Gòn đặc biệt là Phú Mỹ Hưng, hay khu vực Phước Kiểng Nhà Bè lại thêm một gánh nặng hết sức lớn lên cơ sở hạ tầng và giao thông tại khu vực này cũng như các khu vực lân cận. Luôn bị quá tải ngày đêm với số lượt giao thông của của cụm cảng Tân Thuận và khu công nghiệp Hiệp Phước - Long An, cũng như liên kết vùng bằng trục chính là đường Nguyễn Văn Linh. Qua đó rất nhấn mạnh về tính cấp thiết từ việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.

Ở đây, tôi xin không bàn về vấn đề giải ngân và bố trí ngân sách cho công trình này, vì thực sự dự án trọng điểm nào cũng cần phải bàn bạc - xem xét - đánh giá một cách chi tiết, cụ thể lẫn chuyên sâu. Chỉ xin đề nghị một vài quan điểm nhỏ trong quá trình xây dựng một cây cầu mà nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực như sau:

Thứ nhất, cần đánh giá lại một cách rõ ràng thứ tự ưu tiên vùng khi thi công các công trình trọng điểm của thành phố, tới nay, các dự án trọng điểm vẫn thường được thi công theo hình thức “cần đâu đánh đó” và dân tình thì gặp cảnh “trời kêu ai nấy dạ”. Cho nên, quy trình thường tình cứ là chỗ nào dân đông thì mới làm đường, chỗ nào kẹt xe mới xây & cơi nới cầu, chỗ nào ngập lụt mới nâng cấp hạ tầng, làm cống… Thứ tự nên là bắt buộc xây dự án ở đâu thì đường xá phải đảm bảo cái đã hoặc là ưu tiên cho xây dựng ở các khu vực ngoại thành trước rồi mới được ưu tiên xây ở trung tâm. Giải pháp nên được áp dụng với các chủ đầu tư là phải có ít nhất 2-3 dự án ở ngoại thành, thì mới được xây 1 dự án ở trung tâm. Chú trọng giãn dân, khi nào mật độ dân tạm ổn thì mới cho phép xây dựng công trình mới tại trung tâm.

Thứ hai, việc xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu - đường thường được quyết định - thiết kế - rót vốn - thi công bởi các đơn vị của nhà nước, và thực tế cho thấy tốc độ không bao giờ chạy kịp với tiến độ đô thị hoá của một khu vực, của một cụm dân cư. Cho nên xã hội hoá các công trình trọng điểm về cầu đường một cách nhanh nhất là cách cần làm ngay.

Thứ ba, về mặt thi công cầu Thủ Thiêm 4, tại sao không sử dụng các nhà thầu thi công các cây cầu Thủ Thiêm trước đây để tiếp tục thi công mà phải chọn nhà thầu mới? Vì bản chất họ đã có kinh nghiệm xây dựng, quá trình làm việc đã nắm được những thông tin - quy trình - kinh nghiệm để tận dụng vào đó mà tiếp tục xây. Còn nếu trong quá trình xây dựng các công trình trước đây có yếu điểm gì cần phải thay đổi thì cũng chưa bao giờ thấy có nhận định hay đánh giá mức độ thành công sau khi công trình đó được xây lên.

Thứ tư, khi nhìn vào quỹ đất mà nhà nước dùng để đổi đất khi xây dựng công trình thì quả thật rất công bằng. Điều này đáng lẽ phải thu hút rất nhiều công ty vào đấu thầu. Một khi đã đấu thầu thì tiến độ, quy trình phải rất chặt chẽ và rất sát sao. Tuy nhiên trong thực tế việc này không phải lúc này cũng đạt được những kết quả như mong muốn.

Thứ 5, nên có phương án phạt nhà thầu hoặc ngay cả thay thế nhà thầu nếu trong quá trình xây dựng phát hiện dấu hiện chậm trễ vì lý do năng lực yếu kém. Cơ bản quá trình xây dựng dựa trên vấn đề kinh nghiệm - kỹ thuật - điều hành. Tất cả các quá trình đều do con người quản lý và vận hành. Trong suốt quá trình xây dựng, con người không hoàn thành thì phải chỉnh sửa, thay thế và ràng buộc.

Thứ 6, việc càng chậm trễ thi công các công trình trọng điểm liên quan đến việc đền bù mặt bằng cao. Dự án chưa thi công, chưa giải toả mặt bằng thì giá đất các khu vực trọng điểm ngày càng tăng cao theo giá thị trường. Mà giá thị trường tăng lên thì việc giải phóng càng khó khăn, giá thành xây dựng đội lên rất nhiều. Do đó, một khi đã quy hoạch các dự án trọng điểm và đánh giá là phải làm, thì cần khoanh vùng và hạn chế mật độ dân cư và lên kế hoạch giải toả sớm nhất để các khâu tiếp theo có thể không bị ảnh hưởng và đình trệ.

Nguồn dẫn: Khanh Minh Vo/ Diễn Đàn Bất động sản Việt Nam (Fanpage)