Vấn đề kẹt xe tại giữa các vùng Phú Mỹ Hưng, Quận 7 và huyện Nhà Bè kết nối với trung tâm đã và đang gây đau đầu và nỗi buồn bực lâu nay của mọi người rồi ha. Mình xin phép không chia sẻ thêm về việc này, chỉ muốn góp thêm một chút nhận định cá nhân về việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 mà thôi.

Rõ ràng là ai cũng thấy được nhu cầu rất lớn và rất cấp bách từ nhu cầu dân cư từ Nam Sài Gòn hướng quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh về các quận Trung Tâm đặc biệt là quận 1,2,3. Từ 2015 việc xây cầu đã được kiến nghị, tới nay vẫn chưa thấy "động tĩnh" gì cả.

Thứ 1, có thể thấy tầm quan trọng để phát triển hạ tầng các khu vực trọng điểm trước là quận 1,2 và 3 xong rồi mới tới các vùng xa trung tâm hơn như quận 4, quận 7, Nhà Bè rồi tới Bình Chánh. Nên gì thì gì phải xong được cái cầu Thủ Thiêm 2 trước đã rồi hãy nói chuyện tới cầu Thủ Thiêm 3, rồi cầu Thủ Thiêm 4. Câu chuyện của cây cầu Thủ Thiêm 2 ắt hẳn mọi người đều nắm tin là đang "tạm dừng" vì giải quyết chưa ổn việc bàn giao mặt bằng thi công.

Thứ 2, cả thành phố còn rất nhiều dự án trọng điểm khác vẫn đang chạy hết tốc lực ví dụ như Metro số 1, dự án chống ngập cả thành phố. Giải quyết êm thấm những "trụ cột" này đã thì mới có nguồn lực và thời gian cho những thứ có thứ tự ưu tiên sau.

Thứ 3, cầu Thủ Thiêm 4 theo định hướng sẽ được xây dựng theo hình thức hợp đồng chuyển giao BT, thông qua việc đổi đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Việc này rõ ràng vẫn để lại nhiều câu hỏi mở vì Thủ Thiêm hiện tại vẫn đang được siết chặt việc cấp giấy phép xây dựng, quy hoạch chi tiết và hoàn thành dứt điểm việc kiện tụng liên quan đến đền bù chưa có hồi kết thúc. Các khu đất được đổi khác sẽ là những vị trí rất đắc địa khác như khu vực cảng Tân Thuận và các khu đất trung tâm khác.

Thứ 4, nếu so sánh về độ liên kết vùng từ khu Nam Sài Gòn tới các vùng khác thì yếu nhất vẫn là liên kết tới Thành Phố mới Thủ Đức. Từ các quận 2, quận 9 và Thủ Đức chính vẫn di chuyển ngắn nhất và duy nhất qua cây cầu Phú Mỹ, nhưng cung đường này còn phải nâng và cần mở rộng nhiều đoạn để đảm bảo an toàn cho các phương tiện, do đó nhiều người dân vẫn chưa chọn được phương án tối ưu nếu cần phải di chuyển giữa các vùng này.

Việc xây dựng cầu mang lại hiệu quả to lớn là việc không thể bàn cãi. Tuy nhiên, để hoà hợp tất cả các phương án và tận dụng tốt nhất điều kiện hiện có là không thể có ngay được. Đường thông hè thoáng xong thì mới nói đến vấn đề phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng được, dân cư mới an tâm đổ về được.

Nhưng chuyện dễ hiểu sẽ là, một khi đường xá được mở rộng, di chuyển thuận lợi, kinh doanh buôn bán được kích thích thì giá cả chắc hẳn sẽ khác đi rất nhiều. Xin phép được bàn đến vấn đề này ở kỳ sau.

Nguồn dẫn: Khanh Minh Vo/ Diễn đàn Bất động sản Việt Nam

Hình một phương án dự thi tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4 – Thành phố Hồ Chí Minh

Thông tin thêm: 

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định về "Phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4". Theo đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao làm cơ quan tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình. Đây là cơ sở để triển khai đầu tư dự án. Phương án phải kết hợp chủ trương cải tạo đô thị khu vực đầu cầu và hạn chế việc di dời, giải tỏa nhà dân cũng như công trình, hạ tầng kỹ thuật hiện có.

UBND TPHCM yêu cầu cầu Thủ Thiêm 4 phải là công trình giao thông có kiến trúc mang tính biểu tượng. Đơn vị lập phương án phải đảm bảo cây cầu hài hòa với cảnh quan sông Sài Gòn, các công trình lân cận và quy hoạch đô thị hai bên bờ sông. Bên cạnh đó, giải pháp thiết kế phải mang tính độc đáo, đặc sắc, tạo điểm nhấn ấn tượng cho khu vực quận 2 và quận 7. Đồng thời, phương án cần chú trọng tính hình tượng, thẩm mỹ và tính khả thi cao trong xây dựng, phù hợp với hình tượng kiến trúc, văn hóa Việt Nam.

Công trình cầu Thủ Thiêm 4 bắt đầu từ trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát để kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn, nối với Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4 (thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Dự kiến, công trình này sử dụng 16,7 ha đất để xây dựng, gồm 2,1 ha phía quận 2 và 14,6 ha phía quận 7. Bắc qua sông Sài Gòn kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu đô thị mới Nam Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 4 là 1 trong những dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông từ khu Nam TP về trung tâm, đồng thời thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo thiết kế ban đầu, cầu có tổng chiều dài gần 2,2 km, rộng 28 m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành; tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80 x 10 m; vận tốc thiết kế 60 km/giờ.

Trước đó, năm 2015, liên danh 3 công ty bất động sản và xây dựng trong nước đã gửi văn bản cho Thành ủy và UBND TP đề xuất được đầu tư dự án bày bằng hình thức đổi đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 5.200 tỉ đồng. Thành phố sau đó kiến nghị Thủ tướng cho phép chỉ định liên danh này xây dựng cầu theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, do thay đổi về thủ tục đầu tư, nhất là các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án BT khiến dự án này triển khai chậm và đến nay phải thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Hình một phương án dự thi tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4 – Thành phố Hồ Chí Minh