Dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt hướng về phía Đông TP.HCM, qua giao lộ Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng (quận 1), người đi đường đều không khỏi xót xa khi nhìn Dự án Sài Gòn One Tower đứng phơi nắng, phơi sương hơn chục năm qua. Với diện tích hơn 6.600 m2, theo thiết kế, Sài Gòn One Tower có khối đế là trung tâm thương mại dịch vụ gồm 6 tầng, khối văn phòng đạt chuẩn quốc tế với 34 tầng và khối căn hộ cao cấp. Tổng mức đầu tư của Dự án lên đến 256 triệu USD.

Khởi công xây dựng năm 2007, Sài Gòn One Tower được kỳ vọng trở thành một trong những cao ốc biểu tượng của TP.HCM. Nhưng sau 2 năm khởi công, cơ bản hoàn thiện xây dựng phần thô, Dự án buộc phải dừng thi công do thiếu vốn, rồi liên tục lùi thời hạn hoàn thành. Tòa cao ốc xây dựng dở dang án ngữ “đất vàng” suốt hơn một thập kỷ trở thành “tội đồ” làm xấu bộ mặt đô thị của Thành phố.

Hình ảnh Sài Gòn One Tower hoàn toàn mới vừa được tiết lộ trên mạng xã hội. Ảnh: Reic
Thông tin đại gia mới muốn tham gia đầu tư dự án này. Ảnh: Reic

 

Với dự án này, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, chủ đầu tư của dự án này là Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower. Ban đầu, doanh nghiệp này có tên là Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C, do 5 công ty góp vốn, nhưng do hoạt động không hiệu quả, nên các cổ đông sáng lập lần lượt thoái vốn. Sau đó, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C phải ngưng hoạt động vì nợ thuế. Đầu năm 2017, thị trường xôn xao trước thông tin Sài Gòn One Tower sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài rót thêm vốn để hoàn thiện. Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) công bố đã thu giữ tòa nhà để xử lý và thu hồi nợ của Công ty CP Sài Gòn One Tower từ tháng 5/2017.

Đến tháng 3/2018, VAMC công bố bán đấu giá Dự án Sài Gòn One Tower với mức giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Thế nhưng, việc đấu giá Dự án cũng không suôn sẻ. Thời điểm đấu giá phải lùi lại nhiều tháng so với dự định ban đầu. Mức giá khởi điểm của Dự án cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Thông tin về cuộc đấu giá sau đó không được công bố và đến nay, tòa cao ốc Sài Gòn One Tower vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Mặc dù quá trình rao bán toà nhà này đến nay vẫn chưa nhận được một kết quả như mong muốn do không một nhà đầu tư nào tham gia. Mới đây, theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, Công ty CP Di sản Quốc tế Hồ Tràm đã có văn bản gửi đến cơ quan chức năng TPHCM về việc đăng ký đầu tư Dự án cao ốc M&C (tức dự án Sài Gòn One Tower) tại số 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1. Đây đúng là một thông tin gây nhiều bất ngờ và hoang mang cho giới đầu tư, bởi nhiều năm qua đã liên tục xuất hiện một số nhà đầu tư muốn thâu tóm "cục nợ" này nhưng đến nay toà nhà vẫn còn là một khối bê tông đang ngày một xuống cấp.

Chẳng hạn, vào tháng 5/2017, một Tập đoàn kiến trúc của Singapore cho biết đang thực hiện dự án hoàn thiện công trình tòa cao ốc có vị trí chiến lược ở giao lộ đường Hàm Nghi và Võ Văn Kiệt, tức cao ốc Saigon One Tower "trùm mền" nhiều năm qua. Ngay sau khi thông tin này được nhiều tờ báo đăng tải, thị trường được một phen "nóng", tuy nhiên sau đó toàn bộ toà nhà này vẫn không được tái khởi động xây dựng hoàn thiện. (Link tham khảo: https://nhadautu.vn/dai-gia-singapore-khoi-dong-lai-du-an-saigon-one-tower-d915.html).

Trở lại với Công ty CP Di sản Quốc tế Hồ Tràm, theo tìm hiểu được biết trụ sở doanh nghiệp đóng tại số 33 Đường số 8, Khu phố 4, Phường Bình An, Quận 2, TP.HCM. Ông Nguyễn Quốc Long là người đại diện pháp luật, với ngành nghề kinh doanh rất đa dạng, nhân và chăm sóc cây giống hàng năm, khai thác gỗ... đến lĩnh vực xây dựng nhà để ở.... Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Long còn là đại diện các doanh nghiệp: Công ty CP DU LỊCH HỒ TRÀM và Công ty CP QUỐC TẾ HỒ TRÀM.

Về công ty này, theo Báo Thanh niên, ngày 23/3/2014, ông Nguyễn Quốc Long - Tổng giám đốc Công ty CP du lịch Hồ Tràm cho biết đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Dragon Best International (trụ sở tại Hồng Kông) để tham gia chương trình hợp tác công tư (PPP) vào 3 siêu dự án đang kêu gọi đầu tư tại Việt Nam gồm:

Dự án Khu trung tâm phức hợp thương mại, tài chính, khách sạn, khu nhà ở, trung tâm hội nghị quốc tế tại Ba Son và Tân Cảng (TP.HCM) với tổng diện tích quy hoạch 58 ha, tổng vốn đầu tư 32 tỉ USD; dự án Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), tổng diện tích quy hoạch 1.595 ha, tổng vốn đầu tư 18 tỉ USD. Ngoài ra, đối tác trên cũng tham gia vào dự án Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, tổng diện tích quy hoạch 70.400 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 50 tỉ USD.

Công ty Dragon Best International sẽ cung cấp hồ sơ gốc cho đối tác Việt Nam hối phiếu chứng minh năng lực tài chính 100 tỉ USD để Công ty du lịch Hồ Tràm trình Ngân hàng Nhà nước xin tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nói trên. Theo tìm hiểu của Báo Thanh niên, Giám đốc Công ty Dragon Best International là ông Bùi Hùng, một Việt kiều quốc tịch Pháp, hiện đồng thời đảm nhận cương vị Giám đốc của Quỹ đầu tư True Vision Foundation (Mỹ) với nguồn vốn của nhiều cựu chính khách nổi tiếng. (Link tham khảo: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ky-ket-100-ti-usd-cho-3-du-an-khung-tai-viet-nam-387487.html).

Thông tin thị trường cũng cho thấy, hiện một "ông lớn" địa ốc tại TPHCM có liên quan và tham gia vào dự án bỏ hoang này, cùng chuẩn bị tái khởi động và tung sản phẩm mới ra giới thiệu trong thời gian tới!

Buổi "bình minh" của siêu dự án đang bắt đầu?

Nguồn hình ảnh: Hình ảnh thuộc bản quyền của MXH Vietnam Property Forum và Thị Trường Địa Ốc. Do vậy, mọi sao chép, sử dụng lại dưới nhiều hình thức, nhất là kinh doanh – thương mại phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ban Biên Tập của MXH Vietnam Property Forum và Thị Trường Địa Ốc.