Theo báo cáo khảo sát thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển trong quý III/2020 vừa được DKRA Vietnam công bố, sức cầu và nguồn cung sản phẩm đều có mức tăng nhẹ, đặc biệt phân khúc nhà phố/shophouse trong các khu đô thị biển phức hợp dần phục hồi và tiếp tục thu hút sự quan tâm của thị trường.

Trong khi đó, sức cầu đối với sản phẩm condotel tiếp tục xu hướng giảm khi trong quý vừa qua chỉ có một dự án condotel mới mở bán, cung cấp ra thị trường 71 căn condotel, bằng 27% so với quý II và rơi thẳng đứng xuống mức chỉ còn bằng 3% so với cùng kỳ năm 2019; mức tiêu thụ chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo này cho thấy, năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa diễn ra, thực sự đã xuất hiện một cơn sốt đầu tư bất động sản biển, các chủ đầu tư đổ xô đi tìm quỹ đất ven biển lập dự án và dù dịch bệnh có tạo ra những đứt gãy tiến độ, nhưng đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cho nguồn hàng bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh, thành phố có biển.

“Cuộc cạnh tranh thực sự sẽ diễn ra vào năm tới khi thị trường du lịch trở lại đầy đủ và các chủ đầu tư có thêm động lực để tăng cung”, một chuyên gia nhận định nhưng cũng kỳ vọng rằng, dòng tiền đầu tư sẽ đủ sức gánh được nguồn cung này, dù trong cuộc cạnh tranh không phải chủ đầu tư nào cũng chiến thắng. Với ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam thực tế đã bắt đầu quá trình hồi phục và điều này có được từ “sự manh nha trở lại của dòng khách nội địa và cần tập trung đẩy mạnh thị trường này bằng cách đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch”.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, cho rằng những tháo gỡ điểm nghẽn chính sách và cú hích từ hạ tầng giao thông sẽ khiến bất động sản nghỉ dưỡng hồi sinh và đó chính là lý do khiến một số chủ đầu tư đang tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ.

Trong khi đó, đánh giá về vị trí của thị trường BĐS biển của Việt Nam so với các quốc gia có lợi thế về biển tương tự, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotel châu Á-Thái Bình Dương nhận định, nếu so sánh đơn giản với Thái Lan, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Tuy lượng khách quốc tế của Việt Nam thấp hơn Thái Lan nhưng Việt Nam có thế mạnh lớn là bờ biển dài hơn và đẹp hơn. Điều thị trường Việt Nam cần là sự đa dạng và chất lượng sản phẩm. Việt Nam vẫn là địa điểm du lịch mới nhưng khách thường đến chỉ một lần. Để khách trở lại nhiều lần, cần có kết nối tốt hơn, nhiều hạng mục giải trí hơn.

Đại đô thị nghỉ dưỡng ven biển Novaworld Hồ Tràm

Thực tế cho thấy, tại Dự án đô thị biển NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), ngay khi Covid-19 đang cao điểm, công trường vẫn duy trì thi công và nhà thầu đang xây dựng các cụm tiện ích như trung tâm thể thao phức hợp khoảng 220 ha. Tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm thành lập Tập đoàn mới đây, Chủ tịch Novaland, ông Bùi Thành Nhơn chia sẻ rằng, mong muốn của Tập đoàn với NovaWorld Phan Thiết là sẽ phát triển dự án này thành một siêu thành phố biển – du lịch – sức khỏe với nguồn vốn đầu tư cho riêng dự án này đã lên đến gần 5 tỷ USD.

Cách đó không xa là Tập đoàn Nam Group cũng đã chính thức khởi công dự án Tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng và thể thao biển Thanh Long Bay.

Còn Tập đoàn Danh Khôi sẽ khởi động 2 dự án lớn. Đó là Dự án căn hộ The Aston Luxury Residence (TP. Nha Trang), với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng và Dự án khu căn hộ cao tầng ven biển TP. Quy Nhơn, với tổng vốn đầu tư ước lên tới 25.000 tỷ đồng.

Một trong những yếu tố then chốt khác để kỳ vọng bất động sản nghỉ dưỡng sớm lấy lại phong độ và nhận được sự quan tâm của thị trường là hàng loạt các doanh nghiệp lớn đang mở bán các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tung ra nhiều gói hỗ trợ, kích cầu.

Mới đây, Tập đoàn Apec Group đã tung ra kỳ nghỉ cam kết lợi nhuận lên đến 12%/năm cùng với chương trình nghỉ dưỡng 5 sao 0 đồng chưa từng có trên thị trường. Theo thông tin từ Apec Group, ngay sau khi ra mắt chính thức vào ngày 1/10, gói nghỉ dưỡng 5 sao giá 0 đồng đã thu hút đa dạng đối tượng khách hàng, từ những gia đình, người trẻ đến những nhà đầu tư nhỏ lẻ và đại lý.

Tập đoàn Novaland mới đây công bố thị trường gói “đầu tư ngoại hạng”, cam kết lợi nhuận đến 80% trên vốn đầu tư trong 5 năm với các sản phẩm nằm trong phân khu 4 của Tổ hợp dự án NovaWorld Phan Thiet.

Tập đoàn Nam Group cũng đưa ra chính sách cam kết mua lại sản phẩm nhà phố thương mại The Sound với lãi suất 12% như một chính sách bảo toàn vốn và lãi tối thiểu cho nhà đầu tư. Ngoài ra, khách hàng còn được nhận gói hỗ trợ thanh toán 30%, ưu đãi lãi suất 0%, ân hạn nợ gốc cho đến khi nhận nhà.

Chia sẻ tại Hội thảo “Sức hút đô thị Biển” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay tại TP.HCM, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá: “Nếu đầu tư hết vào TP.HCM khi Thành phố có chính sách nào đó là trở ngại của bất động sản thì giống như bỏ hết trứng vào một rổ. Vì vậy, nếu đầu tư vào khu vực lân cận như Đồng Nai, Phan Thiết sẽ có nhiều cơ hội được mở ra”.

Vị này đưa ra 5 lý do đầu tư “second home” tại Việt Nam như tăng trưởng thu nhập, kênh đầu tư mới, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiện ích tương lai và đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng trải nghiệm.  Thêm vào đó, nhìn ở một khía cạnh tích cực, dân số già tạo ra những cơ hội lớn thay vì chỉ thách thức. Dân số già hóa với sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế và xã hội có thể có những đóng góp không ngừng cho xã hội. Đời sống công nghiệp bận rộn, công việc áp lực, căng thẳng; xã hội xô bồ và phức tạp; không khí, nguồn nước và thực phẩm không an toàn; nhiều bệnh tật phát sinh và sự sa sút về sức khỏe, trí lực, thể lực…

Để phát triển đô thị hoá nói chung và đô thị biển nói riêng, vị này đưa ra một số ưu tiên trong chính sách cần được lưu tâm như chiến lược đô thị hóa phải có trọng tâm, tránh phân tán nguồn lực; hoàn thiện các chính sách về quy hoạch, đất đai, sở hữu tài sản, pháp lý; riển khai nhanh hệ thống cao tốc Bắc – Nam cùngcao tốc liên kết các vùng kinh tế trọng điểm,… “Còn lại hãy để thị trường tự vận hành. Nhưng nhìn chung, cần những doanh nghiệp có năng lực và tham vọng lớn không có tham vọng lớn để đưa tài nguyên địa phương trở thành tài sản quốc gia mà còn trở thành thành tố quan trọng trong nền kinh tế”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Theo ông Arnaud Ginolin – Tổng giám đốc Boston Consulting Group, để thị trường bất động sản biển Việt Nam thì cần tìm lời giải cho 4 câu hỏi lớn.

Thứ nhất, tầm nhìn nào sẽ thích hợp cho việc phát triển các đô thị ven biển?  

Thứ hai, làm thế nào để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và toàn diện của các vùng ven biển Việt Nam, bởi quy hoạch tổng thể cấp quốc gia nào có thể tránh cạnh tranh nội bộ và sử dụng tài nguyên ở mức tối ưu (Nhà nước và tư nhân)? Hơn nữa, cơ chế nào để đảm bảo đủ sự nhanh nhạy và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư (luật, quy định, cơ quan quản lý…)?.

Thứ ba, làm thế nào để chuyển giao các kết quả xã hội, môi trường và kinh tế?

Theo ông Arnaud Ginolin, việc thống nhất chính sách phân bổ vốn để tạo điều kiện phát triển kinh tế vì các mục đích cộng đồng.

Thứ tư, làm sao để đảm bảo sự liên kết trong chính phủ? Sự liên kết chính sách thông qua đảm bảo các lĩnh vực hỗ trợ các mục tiêu chính sách của chính phủ (ví dụ: đổi mới, sáng kiến nhà ở giá cả phải chăng) và kết quả lập kế hoạch. Điều chỉnh chính sách vốn thông qua đảm bảo chi tiêu vốn của các cơ quan có thể hỗ trợ các kết quả về quy hoạch và khu vực.