Sáng 24/8, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Thủ Đức lần thứ VI nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định quận cần đột phá hơn nữa trong lĩnh vực dịch vụ để đạt tiêu chuẩn của thành phố Thủ Đức trong tương lai. "Để đón đầu việc ra đời đơn vị hành chính mới, TP.HCM cùng quận Thủ Đức còn nhiều phần việc cần chuẩn bị. Trước tiên, Đảng bộ, chính quyền quận cần tập trung phát triển Khu đô thị Trường Thọ trở thành trung tâm thành phố Thủ Đức", ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu quận Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để xúc tiến thủ tục đầu tư xây dựng Khu đô thị Trường Thọ. Nơi này sẽ trở thành trung tâm và điểm nhấn của thành phố Thủ Đức trong tương lai. Với lợi thế vị trí địa lý ở nơi cửa ngõ, khu Trường Thọ phù hợp phát triển cả 3 loại hình giao thông đường thủy, đường bộ, metro. Quy hoạch 1/2.000 của Khu đô thị Trường Thọ cũng được xem xét điều chỉnh để sớm thực hiện loạt dự án của thành phố Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định tên thành phố Thủ Đức chỉ là tạm thời, có thể thay đổi trong tương lai. Ông cho rằng tên gọi thành phố Thủ Đức phù hợp với bối cảnh khi quận 2, 9, Thủ Đức được tách ra từ huyện Thủ Đức cũ. "Để có tên chính thức cho đơn vị hành chính này, thành phố cần lấy ý kiến người dân rồi mới quyết định", người đứng đầu chính quyền TP.HCM chia sẻ.

Toàn cảnh khu Trường Thọ hiện nay

[fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg]

Theo tìm hiểu, Phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, được định hướng xây dựng thành một khu đô thị mới nằm dọc theo tuyến đường Xa Lộ Hà Nội và tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Khu này gồm cụm cảng IDC Trường Thọ và nhà máy xi măng Hà Tiên, công ty thép Thủ Đức và một số khu đất xung quanh.

Sau hơn nửa thế kỉ tồn tại, nhà máy xi măng Hà Tiên - Thủ Đức đang gấp rút được tháo dỡ để xây dựng khu đô thị mới. Tại cổng chính ra vào nhà máy, xe tải chở vật liệu phế thải liên tục ra vào. Phía trong công trường, nhiều máy cẩu đang hoạt động hết công suất, công nhân cũng đang gấp rút tháo dỡ những hạng mục đã xuống cấp để sớm trả lại đất cho chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mới.

Trạm nghiền xi măng Thủ Đức của Công ty Xi măng Hà Tiên 1 có diện tích 104ha, sử dụng công nghệ từ những năm 1960. Đây là công trình nằm trong diện phải di dời từ năm 2003. Suốt nửa thế kỷ qua, người dân sống quanh khu vực này liên tục phản ánh về tình trạng nhà máy hoạt động tung khói bụi mù mịt, việc nghiền xi măng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Năm 2010, TP.HCM liên tục kiến nghị Bộ Xây dựng, đơn vị chủ quản của Xi măng Hà Tiên, nhanh chóng di dời trạm nghiền này để trả lại mặt bằng chỉnh trang đô thị.

[fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg]

Được biết, Đại hội cổ đông thường niên Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên năm 2017 đã thông qua tờ trình về công tác triển khai kế hoạch di dời và đầu tư xây dựng tại Trạm nghiền Thủ Đức. Theo đó, trạm nghiền này đã chính thức dừng hoạt động từ ngày 31/11/2016 và Hà Tiên 1 đã di dời phân xưởng vỏ bao về Trạm nghiền Phú Hữu, phân xưởng cát tiêu chuẩn về Trạm nghiền Long An.

Sau khi công trình trên được phá bỏ, Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 và Công ty CP vận tải Hà Tiên trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) sẽ phối hợp đầu tư Dự án Khu phức hợp VICEM Hà Tiên tại Thủ Đức, TP.HCM. Khu phức hợp VICEM Hà Tiên được quy hoạch trên 2 khu đất nằm dọc theo Xa lộ Hà Nội tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Trong đó bao gồm khu đất 106.614m2 hiện là Trạm nghiền Thủ Đức chi nhánh Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 và khu đất 8.270m2 hiện là văn phòng và nhà xưởng của Công ty CP Vận tải Hà Tiên.

Cận cảnh Nhà máy Xi măng Hà Tiên, cảng IDC đang được di dời

[fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg]

Trước đó, Văn phòng UBND TPHCM cho biết thành phố đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần phát triển và tài trợ địa ốc R.C (Công ty Refico) liên danh với các đối tác nghiên cứu đề xuất dự án tại khu đất 30 ha ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Khu đất 30ha này dự kiến bao gồm khu đất cảng ICD Sotrans hơn 10ha của STG; khu đất nhà máy Công ty CP Thép Thủ Đức VNSTEEL; khu đất 10,6ha hiện là Trạm nghiền Thủ Đức chi nhánh Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 (Mã CK: HT1) và khu đất 0,8ha hiện là văn phòng và nhà xưởng của Công ty Vận tải Hà Tiên (Mã CK: HTV) có địa chỉ ở Km8 Xa lộ Hà Nội…

Từ Phương án quy hoạch chuyển đổi công năng, lập dự án kinh doanh để tạo nguồn vốn hỗ trợ việc di dời. Theo Quyết định số 86 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 đã đề xuất và đã được các Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đồng ý cho phép chuyển đổi công năng, lập Phương án khai thác diện tích mặt bằng đất Trạm Nghiền Thủ đức, Công ty đã được Vicem đồng ý chấp thuận chủ trương Liên danh thực hiện Phương án chuyển đổi công năng.

Đến nay, Liên danh Refico đã nhận dược Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 khu đất thuộc Phường Trường Thọ, quận Thủ đức. Hiện nay Liên danh đang thuê tư vấn lấp đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 và sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới. Về phía chủ đầu tư, Refico là công ty phát triển bất động sản Việt Nam, thành lập năm 2003, có trụ sở tại TPHCM. Refico hoạt động chủ yếu là đầu tư xây dựng và phát triển các công trình nhà ở cao cấp, các khu nghỉ mát, cao ốc văn phòng và thương mại.

Doanh nghiệp đã có 6 dự án bất động sản lớn là City Garden, Nexus, Watermark, Centre Point, President Place, Sanctuary Hồ Tràm. Những dự án mà đơn vị đang tiến hành, đã hoàn thành, mua lại và quản lý bao gồm các trung tâm thương mại, trung tâm đa chức năng, khu dân cư và khu nghỉ dưỡng đã được quy hoạch tổng thể với giá trị khoảng 1 tỷ USD. Refico còn đang nắm giữ 49% vốn điều lệ tại Công ty CP Phát triển động sản The Pier, cùng với Công ty CP Kho vận miền Nam – Sotrans (Mã CK: STG) nắm giữ 50% vốn điều lệ. Đơn vị này đang đầu tư dự án tại khu K5 và K6 (tổng diện tích khoảng 2,4ha) tại số 1 đường Hoàng Diệu, số 117A đường Nguyễn Tất Thành, quận 4.

Phối cảnh khu đô thị Trường Thọ trong tương lai

[fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg]

Như vậy, sau hơn 1/2 thế kỉ tồn tại, nhà máy xi măng Hà Tiên Thủ Đức sắp kết thúc hoạt động. Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 tiền thân là Nhà máy Xi măng Hà Tiên do hãng VENOT.PIC của Cộng hòa Pháp cung cấp thiết bị. Năm 1964, nhà máy chính thức đưa vào hoạt động với công suất ban đầu là 240.000 tấn clinker/năm tại trạm nghiền Kiên Lương và 280.000 tấn xi măng/năm tại trạm nghiền Thủ Đức. Năm 1993, Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 được đổi thành Công ty Xi măng Hà Tiên 1. Năm 2007, Công ty Xi măng Hà Tiên 1 đã chính thức làm lễ công bố chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần và đến năm 2010 hoàn tất việc sáp nhập Công ty CP xi măng Hà Tiên 2 vào Công ty CP xi măng Hà Tiên 1.

Nguồn hình ảnh: Hình ảnh thuộc bản quyền của MXH Vietnam Property Forum và Thị Trường Địa Ốc. Do vậy, mọi sao chép, sử dụng lại dưới nhiều hình thức, nhất là kinh doanh – thương mại phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ban Biên Tập của MXH Vietnam Property Forum và Thị Trường Địa Ốc.