JLL Việt Nam đánh giá trong một báo cáo thị trường BĐS TPHCM quý 2/2020, dù chịu nhiều tác động từ Covid-19, nhưng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu lành mạnh từ thị trường, phần lớn các dự án đều ghi nhận mức giá tăng nhẹ từ 1 - 3%. Cũng theo JLL giá bán sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.582 USD/m2 thông thủy. Tăng giá theo năm ở mức 27,5%.

Trong một cuộc họp trước đó, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, vừa qua thị trường nhà ở giao dịch sụt giảm rất nhiều do đại dịch, tuy nhiên giá nhà không giảm mà còn tăng vì nhu cầu ở thực vẫn còn rất cao. Giá nhà ở phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Trong đó, cầu tăng - cung giảm thì giá sẽ tăng và cung tăng cầu giảm, giá sẽ giảm. Trong báo cáo Bộ Xây dựng cũng khẳng định: “Đến nay thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện mà chỉ mới có sự ảnh hưởng, tác động tới một số phân khúc và yếu tố của thị trường”.

Về biến động chỉ số giá nhà ở và các bất động sản, Bộ Xây dựng ghi nhận giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Cụ thể, tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, báo cáo từ công ty CBRE Việt Nam cho biết giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp ở mức 1.940 USD/m2 trong quý 2/2020 vừa qua, không đổi so với quý trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá tăng nhẹ 1% theo quý được ghi nhận tại phân khúc trung cấp từ giai đoạn tiếp theo của các dự án mới mở bán trong Quý 1 như Citi Grand và West Gate Park. Phân khúc trung cấp cũng ghi nhận mức tăng giá cao nhất so với cùng kỳ năm trước là 10%. Giá bán tại các phân khúc còn lại không thay đổi theo quý, tuy nhiên mặt bằng giá hiện tại đã cao hơn 4%-6% so với cùng kỳ năm trước.

[fullimg]

[/fullimg]

 

Khu vực phía Đông của TP.HCM với nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang triển khai một lần nữa là điểm sáng trong quý, với giai đoạn Manhattan của dự án Vinhomes Grand Park đóng góp gần 65% trong tổng số 609 căn được chào bán trên toàn thị trường. Thanh khoản thị trường phân khúc này cũng ở mức tốt, đạt 569 căn, tăng mạnh so với quý trước (đạt 366 căn). Cùng với đó, có 65% lượng giao dịch cũng đến từ giai đoạn Manhattan của dự án Vinhomes Grand Park.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong khi thị trường bất động sản đang trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì khu Đông trở thành tâm điểm, nhờ vào nhiều yếu tố cộng hưởng.

Việc Thủ tướng ủng hộ TP.HCM sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông, là thông tin được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành "thành phố phía Đông". Đây là khu vực chỉ chiếm khoảng 10% diện tích và dân số, nhưng được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dự báo sẽ đóng góp đến 30% GRDP của toàn thành phố, và đây cũng sẽ là động lực phát triển của thành phố trong 5 - 10 năm tới.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (KCNC) quận 9, Đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Trong đó, Khu Công nghệ cao là nơi tạo sức lan tỏa, góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát huy năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ cho các ngành sản xuất, khu công nghiệp của Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tại cuộc họp mới đây, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết tạm thời sẽ đề xuất "định danh" thành phố phía Đông là Thành phố Thủ Đức.

Các nhà đầu tư cũng cho rằng chính vì những cơ hội to lớn này, trong năm 2020, khu Đông sẽ là tâm điểm dẫn dắt thị trường bất động sản TP.HCM. Bởi khu vực này vẫn còn nhiều dư địa phát triển và sở hữu đầy đủ các yếu tố kích cầu thị trường bất động sản đi lên. Hạ tầng giao thông, dịch vụ công ích và hàng loạt khu đô thị mới với nguồn vốn đầu tư lớn đã và đang dần hiện hữu tạo niềm tin rất lớn với các nhà đầu tư.

[fullimg]

[/fullimg]

 

Bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc Điều hành, CBRE Việt Nam nhận định: "Năm 2020 là một năm khó khăn với thị trường nhà ở khi dịch COVID-19 tác động đến tất cả người chơi trên thị trường. Mặc dù vậy đã có những tín hiệu hồi phục tích cực vào cuối Quý 2. Các chủ đầu tư đang gấp rút lên kế hoạch triển khai các dự án trong khi người mua đang tích cực tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với giá hợp lý. Đây sẽ là động lực cho nửa cuối năm sôi động hơn."

Dự báo cho nửa cuối năm 2020, nguồn cung chào bán sẽ được cải thiện dần và đạt khoảng 18.000 căn cho cả năm, giảm 32% so với năm 2019. Lượng căn hộ này đã tính đến nguồn cung từ các dự án quy mô lớn. Sản phẩm trung cấp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao với lượng nhỏ nguồn cung từ phân khúc hạng sang và cao cấp. Về khu vực, phía Đông sẽ tiếp tục là các điểm nóng của thị trường, với nhiều dự án mới tại khu vực Quận 2 và Quận 9.

Giá bán trung bình toàn thị trường được kỳ vọng sẽ tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó phân khúc cao cấp và hạng sang được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án trung cấp dự kiến có mức tăng giá khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước do mức giá đã tăng nhanh trong hai quý đầu năm. Lượng giao dịch dự kiến đạt hơn 16.000 căn cho cả năm, giảm 45% so với năm 2019, do tác động của dịch.

Để thích nghi với môi trường mới thị trường cần có các giải pháp linh hoạt hơn. Trong ngắn hạn, chủ đầu tư đang thực hiện các phương án hỗ trợ tài chính cho người mua, giãn lịch thanh toán, tăng cường quản lý và vận hành dự án để đảm bảo an toàn cho cư dân. Thêm vào đó, chủ đầu tư cần có các biện pháp hỗ trợ người mua nước ngoài không có mặt tại Việt Nam như nhận bàn giao, quản lý căn hộ và hỗ trợ giao dịch thứ cấp. Trong dài hạn, sản phẩm mới, kế hoạch bán hàng và chiến lược giá cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đồng thời cần phát triển quỹ đất đa dạng về vị trí ở trong TP.HCM và các tỉnh lân cận.

[fullimg]

[/fullimg]