Theo báo Khánh Hoà, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có thông báo số 319 về việc các nhà đầu tư tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500) thuộc Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong.

Link gốc: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202007/dong-y-xa-hoi-hoa-cong-tac-lap-quy-hoach-xay-dung-khu-kinh-te-van-phong-8173466/

Theo đó, UBND tỉnh giao Ban Quản lý KKT Vân Phong khẩn trương thực hiện trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh thống nhất việc xã hội hóa công tác lập quy hoạch xây dựng thuộc KKT Vân Phong trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể của pháp luật về việc tiếp nhận kinh phí tài trợ của các nhà đầu tư cho công tác lập quy hoạch nên UBND tỉnh giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu nội dung này. Bên cạnh đó, giao Ban Quản lý KKT Vân Phong tổng hợp nội dung theo đề xuất của nhà đầu tư, phối hợp và thống nhất với Sở Xây dựng để cùng tham mưu hình thức tài trợ kinh phí lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong báo cáo tham mưu UBND tỉnh.

[fullimg]

[/fullimg][fullimg]

[/fullimg]

Theo đánh giá của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn IPP, Bắc Vân Phong đang sở hữu những lợi thế mà nhiều nơi khác không có được. Tập đoàn IPP mong muốn đầu tư xây dựng khu vực bắc Vân Phong thành một khu kinh tế hiện đại, khác biệt. Từ đó, bằng tiềm năng liên danh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Dự kiến lượng vốn đầu tư ở khu vực này khoảng 40 tỉ USD. IPP không đầu tư cả 40 tỷ USD mà sẽ kêu gọi các tỷ phú thế giới cùng đầu tư vào theo từng thế mạnh của họ.

Tập đoàn IPP kiến nghị lãnh đạo tỉnh cho phép được tự bỏ khoảng 68 tỷ đồng để thuê Tập đoàn KPMG (Hàn Quốc) thiết kế quy hoạch cho bắc Vân Phong. Sau khi lập xong quy hoạch, tập đoàn sẽ tặng quy hoạch lại cho tỉnh. Tập đoàn KPMG Hàn Quốc dự định sẽ quy hoạch Khu Kinh tế bắc Vân Phong với những dự án phức hợp: Casino, sân gold, khu phi thuế quan, logistic, quần thể du lịch, trong đó có cảng du lịch để các tàu lớn nhất trên thế giới có thể ghé thăm.

Đặc biệt là xây dựng khu dân cư công nghiệp công nghệ cao (tức là kết hợp công nghiệp công nghệ cao với khu dân cư cao cấp). Người dân địa phương hiện hữu sẽ được tái định cư với cơ sở hạ tầng và đời sống tốt nhất. Đồng thời, khu phức hợp này sẽ có cơ sở giáo dục, y tế, hạ tầng xã hội hiện đại, thông minh. Cơ sở hạ tầng này được vận hành hoàn toàn tự động. Khi triển khai các dự án ở từng hạng mục, chủ đầu tư sẽ hợp tác với các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác có tính chiến lược, mang lại hiệu quả và tính khả thi cao.

[fullimg]

[/fullimg][fullimg]

Hạ tầng giao thông hiện hữu khu Bắc Vân Phong

[/fullimg]

Theo tiến trình đầu tư, nhà đầu tư này chia 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, đưa ra được một kế hoạch đầu tư tổng thể trình các cấp chính quyền phê duyệt; kế hoạch thu hút các nhà đầu tư. Giai đoạn 2, xây dựng các cơ chế thu hút nhà đầu tư, sau đó lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp và có kết nối với cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Giai đoạn 3: thiết lập văn phòng quản lý dự án, đo lường chỉ tiêu phát triển, quảng cáo truyền thông… Để thực hiện 3 giai đoạn này, nhà đầu tư đưa ra 14 nhiệm vụ cần thực hiện ngay, trong đó tập trung nghiên cứu đưa ra báo cáo chi tiết sự ảnh hưởng, tác động của đặc khu tới kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng mô hình kinh doanh cho từng dự án và đánh giá năng lực từng nhà đầu tư để lựa chọn…

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn đề nghị được hỗ trợ kinh phí để thuê bảo vệ đất tại Vân Phong, tránh tình trạng xâm lấn đất công, chuyển nhượng trái phép. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư khác đang hợp tác với IPP cũng trình bày và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các dự án đặc khu kinh tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc, dự án xây dựng sân bay, khu thương mại phi thuế quan tại Úc...

Tại Công văn số 783/TTg-QHĐP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.  Xét đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa và ý kiến của các Bộ Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương tổ chức việc lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng Luật Quy hoạch năm 2017; Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp luật về quy hoạch; đồng thời tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện một số thủ tục để triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong như dự thảo nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch… Tuy nhiên, do Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội thông qua, nên quá trình triển khai lập quy hoạch khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định được cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch, hội đồng thẩm định và các nội dung liên quan khác. Do những khó khăn, vướng mắc nêu trên, việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cũng chưa được triển khai.