Theo ghi nhận từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nửa đầu năm qua, những thách thức lớn từ đại dịch Covid-19 cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản.

Cụ thể, làm gián đoạn, đảo lộn các hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng. Dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mọi hoạt động bán hàng và mua hàng bị ngừng trệ do thực hiện các biện pháp của Chính phủ về hạn chế di chuyển, cách ly toàn xã hội, do tâm lý phòng thủ của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu; làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động; làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng. VNREA cho rằng, thị trường bất động sản bị tác động kép do phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua và đại dịch nên các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.

Dẫn chứng các số liệu từ Bộ Xây dựng, VNREA cho hay chỉ riêng trong quý I/2020, về tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm. Chỉ tính riêng nhà ở thương mại, lượng tiêu thụ sản phẩm chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý IV/2019 và chỉ bằng 14% của năm 2019.

Tuy nhiên, với thành công dịch được kiểm soát, bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại. Giới phân tích cho rằng, bất động sản vẫn là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững, thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường bất động sản các năm 2008, 2011.

"Dạo một vòng" thị trường hậu dịch Covid-19, nhận thấy hàng loạt doanh nghiệp BĐS ngay lập tức tái khởi động bằng cách ký kết hợp tác, phát triển dự án mới và tung sản phẩm ở nhiều phân khúc ra thị trường. Với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường TPHCM, nhiều đại hội cổ đông thương niên đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, qua đó "lộ diện" nhiều kế hoạch "khủng" cho giai đoạn 3-5 năm tới.

[fullimg]

[/fullimg]

Là một trong những doanh nghiệp bất động sản duy trì sự phát triển mạnh kể cả trong mùa dịch, Tập đoàn Novaland (NVL) liên tục đưa ra các kế hoạch hợp tác, giới thiệu các dòng sản phẩm mới cùng nhiều chính sách ưu đãi tạo sự sôi động cho thị trường.

Về dự án, Novaland có tới 22 dự án đang phát triển và 3 dự án phát triển mới trong năm 2020. Để đạt kế hoạch kinh doanh trên, công ty dự kiến bàn giao cụ thể 10 dự án trong năm nay. Ngoài ra, trongnăm 2020, Novaland sẽ tiếp tục giới thiệu nhiều dòng sản phẩm ra thị trường, chủ yếu tập trung tại quận 2, quận 9 và một số dự án ở vùng vệ tinh như Bình Thuận, Bà Rịa, Bũng Tàu.

Đối với công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), tại ĐHCĐ thường niên năm 2020 mới đây, ban lãnh đạo đanh nghiệp cho biết bước sang năm 2020, HĐQT đề ra chỉ tiêu 2.736 tỷ đồng tổng doanh thu (hợp nhất), giảm 35% nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (hợp nhất) lại gấp 1,8 lần so với năm 2019, đạt 314 tỷ đồng. Ngoài ra TDH cũng đề xuất chia cổ tức cho năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%.

Về chiến lược kinh doanh trong năm 2020, TDH vẫn tập trung vào 2 lĩnh vực nòng cốt là bất động sản và các ngành phù trợ (chủ yếu là thương mại, xuất nhập khẩu). Trong đó, đối với mảng BĐS, TDH sẽ phấn đấu nâng tỷ trọng doanh thu bất động sản đạt tối thiểu 60% doanh thu thuần, chủ yếu đến từ các dự án Khu nhà ở Golden Hill, Phú Mỹ - Bà Rịa Vũng Tàu (8,68ha), dự án Cao ốc hỗn hợp Aster Garden Towers - Bình Dương (1,98ha) và phát triển dự án văn phòng tại 28 Phùng Khắc Khoan, Quận 1, TP.HCM.

Ngoài thị trường chính là TP.HCM và Hà Nội với sản phẩm chủ lực là nhà thấp tầng, chung cư, các tổ hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại thì TDH sẽ tiếp tục mở rộng thị trường sang các thành phố vệ tinh như Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. TDH cho biết đang hướng tới những khu đất có quy ô vừa và nhỏ từ 1 - 10ha tại các khu đô thị lớn để xây dựng phân khúc nhà giá rẻ cho công nhân, người lao động; hạn chế đầu tư vào các khu vực/dự án có liên quan đến đất công để tránh những vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Trước tình hình thị trường BĐS có nhiều thay đổi, một doanh nghiệp khác là công ty CP DRH Holdings (DRH) cũng vừa công bố những chiến lược đầu tư mới, trong đó chuyển hướng mảng BĐS công nghiệp. Công ty đang tìm hiểu các công ty phù hợp với cấu trúc vốn để đầu tư, tuy nhiên HĐQT chưa có quyết định nào cụ thể. Trong 6 tháng cuối năm, DRH sẽ tập trung đẩy nhanh về mặt pháp lý, hoàn thiện các dự án đang xây dựng dở dang.

Theo đó, hai dự án Aurora Residences và Symbio Garden đối mặt với khó khăn chung của toàn thị trường bất động sản TP.HCM như các thủ tục pháp lý chậm được hoàn thành, khiến các dự án khó tiếp cận được các nguồn vốn tài trợ từ tổ chức tín dụng. Trong điều kiện thuận lợi về các thủ tục pháp lý, công ty dự kiến hoàn thành cả 2 dự án này trong năm 2020.

Đối với dự án Hồ Sông Mây, DRH hiện đang hợp tác với đối tác với tỷ lệ 70 - 30 với tổng quy mô rơi vào khoảng 20ha. Hiện, DRH đang gặp khó khăn về pháp lý do nguồn gốc đất liên quan đến Nhà nước và theo quy định cần rà soát lại do đó tiến độ dự án khá chậm. Nếu không cải thiện được trong thời gian tới DRH sẽ hoàn lại cho bên đối tác và không đầu tư nữa, hiện DRH chỉ mới đầu tư vào dự án này 25 tỷ đồng.

[fullimg]

[/fullimg]

SAM Holdings tại ĐHCĐ thường niên mới đây cũng tuyên bố trong năm 2020 sẽ dành nhiều nguồn lực tại chính để phát triển các dự án BĐS công nghiệp vì ngành này đang có nhiều cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Cụ thể, năm 2020, SAM Holdings dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn tại các khoản đầu tư không tạo được lợi nhuận và không nằm trong định hướng chiến lược, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu huy động nguồn lực thực hiện dự án. Cụ thể, Công ty dự kiến mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty CP Capella Quảng Nam và tăng vốn cho Capella Quảng Nam để đầu tư dự án Khu công nghiệp Tam Thăng 2; tăng vốn cho Samland để tài trợ cho dự án BĐS Nhơn Trạch.

Về dài hạn, bên cạnh việc tiếp tục củng cố và triển khai các dự án đầu tư tại Sam Tuyền Lâm, Samland, theo sát diễn biến thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp SAM đầu tư hiện hữu như DVN , DSP, PRT … thìcCông ty sẽ đầu tư phát triển hệ thống khu công nghiệp (KCN), kho, cảng...

Một tên tuổi khác là Công ty CP Bamboo Capital (BCG) cũng đang toan tính nhiều kế hoạch đầu tư mạnh vào BĐS công nghiệp để đón đầu cơ hội các hiệp định song phương và đa phương phát huy tác dụng. Ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT BCG chia sẻ, bất động sản du lịch và bất động sản KCN sẽ tạo ra nguồn thu ổn định cho công ty.

Hiện, dự án KCN Cát Chinh của BCG đã được cấp giấy phép triển khai, diện tích gần 400ha, cách sân bay Phù Cát 6 – 7 phút. Ngoài ra đơn vị này còn có một dự án có diện tích 270ha hợp tác với đối tác và đã chính thực mua lại. Hướng đi đối với mảng bất động sản KCN của BCG là tìm các khách hàng lớn trước, ưu đãi trả tiền thuê nhờ đó có nguồn thu và tạo niềm tin cho tổ chức tài chính tài trợ và khác hàng. Sau đó, công ty tìm bán với giá cao cho khác hàng sau.

Song song đó, một loạt các dự án bất động sản lớn BCG làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành bàn giao cho khách hàng trong năm 2020 và năm 2021 như: Dự án biệt thự và khách sạn kết hợp văn phòng thương mại King Crown tại Quận 2, TPHCM; Dự án khu nghỉ dưỡng Malibu Hội An; Amor Garden; Resort Casa Marina giai đoạn 2…

Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) thị lại chọn một hướng đầu tư khác trong tình hình gần 2 năm qua nhiều dự án đầu tư không thực hiện được các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai. HĐQT của HAR dự đoán những ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn kéo dài đến cuối năm, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các nước trên thế giới. Theo đó, tổng doanh thu năm 2020 của công ty dự kiến giảm 45% về mức 90 tỷ đồng. Dù vậy lãi sau thuế dự báo tăng 44% lên mức 9.6 tỷ đồng.

Để thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh, HAR tiếp tục nghiên cứu nhu cầu khách hàng để đưa ra các sản phẩm mới, kết hợp với các đơn vị liên kết để đa dạng hóa sản phẩm. Công ty dự kiến đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Glenwood và Aurora, là những sản phẩm chủ yếu của HAR. Bên cạnh đó, công ty vẫn tiếp tục triển khai mảng FCMG.

Ngoài ra, HAR cho biết sẽ tận dụng sự ổn định trong thị trường bất động sản cho thuê để gia tăng hoạt động kinh doanh. Ban lãnh đạo HAR chỉ ra đây là hoạt động có thể đảm bảo sự tăng trưởng trong doanh thu mà không làm giảm biên lợi nhuận. Song song đó, HAR cũng đang tập trung đầu tư phát triển một dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn khác tại TP Nha Trang...

Trao đổi với chúng tôi mới đây, một lãnh đạo của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) "than" rằng đây thật sự là một năm quá khó khăn đối với doanh nghiệp BĐS. Bởi vì, việc siết chặt các thủ tục pháp lý đầu tư chưa được tháo gỡ thì đại dịch Covid-19 "ập" đến quá nhanh và quá nguy hiểm, hầu như các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn đều không có sản phẩm để bán và không triển khai được một dự án mới nào.

"Tình hình khó khăn này có khả năng còn diễn biến đến hết năm nay, nhiều doanh nghiệp giờ chỉ làm cầm chừng, bán những sản phẩm còn tồn trong khi ngồi chờ kết quả giải quyết thủ tục pháp lý đầu tư dự án mới", vị này cho biết.

Về phần mình, KDH sẽ bán hết số căn hộ còn lại của hai dự án Verosa Park (230/296 căn) và Lovera Vista (801/1.310). Định hướng phát triển của Khang Điền trong giai đoạn 2020 - 2022 là tập trung đền bù và hoàn thiện pháp lý, mở rộng đầu tư dự án mới, tái cơ cấu danh mục đầu tư và hoàn thiện chính sách, cơ cấu nhân sự.

Về kế hoạch xây dựng mới năm 2020, KDH sẽ tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng ở quận 2, quận 9, Bình Chánh và Bình Tân. Cụ thể, trong năm 2020 công ty sẽ bắt đầu triển khai xây dựng 2 dự án nhà ở thấp tầng gồm dự án Phú Hữu Quận 9 (4,3 ha) - khoảng 180 căn nhà liên kế và biệt thự, hiện công ty đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn khu và dự án Bình Trưng Quận 2 (5,7ha) - khoảng 160 căn nhà liên kế và biệt thự, và đã có quyết định giao đất.

Với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) sẽ ráo riết tăng thêm quỹ đất thông qua M&A tại các vị trí phù hợp chiến lược phát triển: các khu đất tại quận huyện bao quanh khu vực trung tâm TP.HCM và các tỉnh miền Tây, trong phạm vi lái xe; chi phí M&A phù hợp với phương án phát triển; hiện trạng pháp lý minh bạch (ưu tiên có sổ đỏ, dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư).

Trong báo cáo thường niên năm 2019, An Gia đang sở hữu quỹ đất khoảng 80 ha tại TP.HCM (33,4 ha), Bình Dương (6,9 ha), Đồng Nai (13,9 ha) và Long An (26,4 ha). Theo kế hoạch phát triển, công ty dự kiến sử dụng 5.000-10.000 tỷ đồng/năm để tạo quỹ đất, đảm bảo phát triển đường dài.