Trở lại “điểm nóng” Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong những ngày gần đây, nhất là ngay sau khi Thủ tước có quyết định đồng ý tạm dừng chủ trương lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Đặc khu Bắc Vân Phong cho đến khi Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua, mọi người cũng đang nói nhiều về đất đai, giao dịch.

Tuy nhiên, câu chuyện hàng ngày bây giờ khác 2 năm trước, đó là những cuộc tháo chạy của nhà đầu tư, cò đất. Thời điểm những thông tin thành lập đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong bắt đầu xuất hiện, hàng loạt nhà đầu tư đã “lao đầu” vào khu vực này để săn lùng mua đất trong dân bất chấp giá, thì hiện nay họ cũng đang ồ ạt bán ra bất chấp con số lỗ là bao nhiêu.

“Vấn đề hiện nay là hàng loạt nhà đầu tư, môi giới đang ôm quá nhiều đất mà không bán ra được. Trong hơn một năm qua, giá đất ven biển Vĩnh Yên, Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) nghiên cứu đầu tư, hay lùng sục khắp Vạn Giã, sang Xuân Sơn, Vạn Hưng được rao bán rất nhiều, giá giảm đến hơn 50% nhưng vẫn không ai quan tâm”, một cò đất lâu năm tại Vạn Giã cho biết.

Thật vậy, gần 2 năm trước, người người tại huyện Vạn Ninh, nóng nhất vẫn là các xã ven biển Bắc Vân Phong, lao vào làm môi giới, tài xế ngày đêm chở khách hàng đi xem đất, những cuộc điện thoại qua lại, rồi chiều chiều, tốp tốp “cò đất” tụ tập tại các quán bia, cụng ly để chúc mừng nhau vừa chốt xong một vài giao dịch.

Tại thời điểm đó, thị trường đã chứng kiến một làn sóng nhà đầu tư từ các tỉnh phía Bắc “tràn” vào gom đất Bắc Vân Phong. Lúc đấy, nhiều người dân vẫn chưa nắm thông tin nơi này sẽ thành đặc khu kinh tế nên bán khá rẻ, chỉ vài ba trăm triệu 1.000m2, nhưng chỉ vài ngày các nhà đầu tư bơm thổi thông tin thị trường và bán ra được vài tỷ đồng/lô. Thậm chí, một số sàn môi giới tại đây còn cho biết rất nhiều nhân viên của mình đã “trúng đậm” hàng chục tỷ đồng, tậu xe hơi và mua nhà mới chỉ sau khi “chốt lời” được vài ba miếng đất thời kỳ đầu cơn sốt.

Tìm gặp lại người đàn ông tên Xuân Vũ, khoảng 50 tuổi, được mọi người xem là “trùm” môi giới nhà đất tại huyện Vạn Ninh, được biết từ khi cơn sốt đất diễn ra, hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ mini ở huyện Vạn Ninh hoạt động hết công suất. Cuộc sống của người dân vùng biển cũng bị xáo trộn lớn khi có rất nhiều người bỗng nhiên từ bỏ cuộc sống mưu sinh hàng ngày là nuôi tôm, nuôi trồng ốc hương để lao vào săn đất bán lại kiếm lời. Thanh niên trong một số làng chài cũng bán đất, bán nhà và nông ngư cụ để “tậu” cái xe ô tô khoảng 200-400 triệu đồng chạy taxi để chở khách hàng đi tìm đất.

“Có những người bỗng chốc phất lên thấy rõ, thấy họ khoe với nhau rằng chỉ một ngày chịu khó đưa đón khách hàng, nếu chốt được giao dịch là bỏ túi tiền tỷ”, ông này tiết lộ.

Tuy nhiên, Từ cuối tháng 12/2019, khi UBND tỉnh Khánh Hoà có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét dừng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Đặc khu Bắc Vân Phong; đồng thời, kiến nghị sớm điều chỉnh quy hoạch khu vực này để kêu gọi đầu tư, thị trường nhà đất Bắc Vân Phong ngay lập tức “chìm trong bóng tối”!

[fullimg]

[/fullimg]

Những ngày này, dọc bờ biển thị trấn Vạn Giã không còn cảnh khách từ các tỉnh đổ về mua, bán đất. Dọc đường Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, các sàn giao dịch bất động sản hầu như đóng cửa, dù có 1-2 “sàn” hoạt động nhưng không có ai lai vãng. Sàn mở cửa lấy lệ, sàn thì đóng cửa im ỉm suốt ngày. Một “cò” đất lâu năm ở đây cho biết thêm, hơn nửa năm nay chẳng còn cảnh tranh mua, tranh bán gì nữa. Nhiều sàn phải đóng cửa vì chẳng có một khách hàng nào tìm đến giao dịch.

“Chẳng riêng các sàn môi giới nhà đất, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện, phòng công chứng từ hàng trăm lượt người tới làm việc mỗi ngày, hiện nay cũng vắng bóng người”, cò đất tự xưng tên Hưng cho biết.

“Chưa bao giờ giá đất lại xuống thấp như lúc này. Đây có lẽ là thời điểm mà giá đất Vân Phong đã lao xuống đáy. Mấy anh coi, ở ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo nhưng giá chỉ 10 triệu đồng/m2. Cách đây 4 tháng, lúc UBND tỉnh mới bỏ lệnh cấm chuyển nhượng, khu này vẫn bán được 25 triệu đồng/m2. Còn năm 2018, giá 40 triệu đồng nhưng không ai muốn bán. Giá thấp thế này mua kiểu gì cũng có lãi”, “cò” đất tên Thiên phân trần thêm.

Theo thông tin từ các “cò”, giá đất ở Vân Phong hiện đã tụt xuống 3 lần so với thời điểm sốt đất. Trước đây, đất Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Vạn Khánh… khoảng 25 triệu đồng/m2 thì nay giá chỉ từ 7 triệu đồng. Đất tái định cư khu vực Đại Lãnh giá dao động từ 7 đến 10 triệu đồng/m2… Có những lô đất lớn ở Vạn Thọ, trong đó có một phần đã lên thổ cư, giá chào bán chỉ 3 – 4 triệu đồng/m2; đất tại Vạn Hưng giá 2 – 3 triệu đồng/m2… Thị trường không còn ghi nhận sự xuống tiền ồ ạt với cả đất rừng, đất vườn, đất nuôi trồng thủy sản như trước.

Dẫn chúng tôi dạo quanh những con đường chính trên, ông Xuân Vũ còn khẳng định thêm rằng đất đai ở đây vẫn còn được rao bán khá nhiều, nhưng hầu như khách hàng không quan tâm nữa. Thật vậy, chúng tôi chứng kiện có cả hơn trăm lô đất, nhà phố nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, dù rất đẹp nhưng không bán được hơn cả năm qua. Chỉ vào một lô đất, ông Xuân Vũ nói: “Cái này đã rao bán với giá ban đầu là 8,5 tỷ đồng, nhưng có vài ba khách hàng trả xuống 5 tỷ, rồi 4,5 tỷ đồng. Chủ đất vẫn đồng ý bán để thu hồi vốn nhưng khách hàng vẫn chưa chịu xuống tiền”.

Cũng theo vị cò đất này, có những lô đất phải bán lỗ hơn 50% – 80% giá mua vào ban đầu nhưng cũng chỉ thấy khách hàng đến hỏi thăm dò rồi lại thôi.

Giờ đây, không khí làng quê ven biển đã yên bình trở lại. Ở đây giờ không còn cảnh “cò” đất suốt ngày tất bật dẫn khách qua lại nghiên cứu đầu tư, hay lùng sục khắp Vạn Giã, sang Xuân Sơn, Vạn Hưng tìm đất; cũng không còn những cuốc taxi tất bật, những cuộc điện thoại trao đổi, rồi chiều chiều, tốp tốp “cò” đất tụ tập tại các quán bia, cụng ly để chúc mừng nhau vừa chốt xong một vài giao dịch.

Trước đó, cuối năm 2019, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét dừng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Đặc khu Bắc Vân Phong; đồng thời, kiến nghị sớm điều chỉnh quy hoạch khu vực này để kêu gọi đầu tư. Theo UBND tỉnh, đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện một số thủ tục để triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Đặc khu Bắc Vân Phong.

Tuy nhiên, do Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội thông qua nên quá trình triển khai lập quy hoạch khu vực bắc Vân Phong theo định hướng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định được cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch, hội đồng thẩm định và các nội dung liên quan khác.

Bên cạnh đó, sau khi có thông tin bắc Vân Phong sẽ lên đặc khu, thời điểm năm 2017 và đầu năm 2018, tại huyện Vạn Ninh có tình trạng sốt đất ảo. Tuy đặc khu chưa có hình hài rõ ràng, nhưng tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất tại đây rất rầm rộ, để lại nhiều hệ lụy khó giải quyết. Sau đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương quyết liệt kiểm tra, có giải pháp quản lý đất đai nhằm ổn định tình hình.