Chuyện hơi dài một chút nhưng dù bao nhiêu năm đã qua mình vẫn xúc động mỗi khi nghĩ về nó. Một câu chuyện dường như bất khả thi lúc ban đầu nhưng đã thành hiện thực và đã để lại những dư âm vô cùng tốt đẹp. Mình kể lại trước khi thời gian sẽ xóa nhòa ký ức và cũng tiếp thêm động lực để đối mặt với khoảng thời gian vô cùng khó khăn và thử thách trước mắt. Mong là câu chuyện hữu ích và bạn sẽ có được cảm nhận gì đó cho riêng mình. 

MXH Thị Trường Địa Ốc - Thitruongdiaoc.vn xin trích giới thiệu bài chia sẻ của tác giả Hương Nguyễn - CEO Đại Phúc Land về vấn đề này và sau đó là một câu chuyện đầy tâm huyết của một nhà đầu tư.

Bạn sẽ làm gì với một sản phẩm mà ai cũng quay lưng và từ chối không làm?

Hình như mình có duyên với những việc toàn khó nhằn! Năm 2010 mình được nhờ làm tư vấn chiến lược cho dự án công viên Nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng quy mô 110ha tọa lạc ở Huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cách SG khoảng 50km. Đây là dự án Công viên nghĩa trang vốn là loại hình còn rất mới vào thời điểm đó. Trong giới BĐS nghe tới loại hình sản phẩm này đều bỏ chạy, tránh xa vì e ngại.

Tuy nhiên, bản thân mình nghĩ tại sao chúng ta chỉ quan tâm đến việc làm nhà cho người đã sống, trong khi người đã khuất không có nơi khang trang cho họ an nghỉ. Liên tưởng đến mấy cái nghĩa trang hiện hữu cảm thấy rùng mình vì khá lộn xộn và âm u. Con cháu 1 năm đến thăm ông bà, cha mẹ một đôi lần cũng thấy ngần ngại. Qua vài đời là dễ bị lãng quên luôn. Nhà mình vốn gốc người Trung nên khá quan trọng việc mộ phần của ông bà. Thế là mình quyết định nhận lời tư vấn với nhiều nỗi lo ngỗn ngang trong lòng. Mở ngoặc thêm là hồi nhỏ mình rất nhát, xem phim mà thấy cảnh người chết hay đám ma là nhắm mắt ngay lại vì sợ bị ám ảnh thế mà không nghĩ có ngay đi làm dự án về nghĩa trang...

Chọn đi hướng nào?

Nếu bạn là chuyên gia về marketing bạn sẽ nói gì về một nghĩa trang trong các chiến dịch truyền thông quảng cáo của mình? Thật sự khó nha vì sản phẩm này vốn rất nhạy cảm không thể nói một cách thẳng thừng rất phản cảm.

Mình vốn rất yêu thích yếu tố văn hóa trong các công trình kiến trúc và mong muốn có ngày sẽ có cơ hội lồng ghép được trong việc phát triển các dự án BĐS. Văn hóa tâm linh, gia đình dòng tộc đó là điều mình nghĩ tới vì nó chạm đến sâu thẳm trong trái tim mỗi con người. Vì vậy mình đã chọn nói về một mô hình 'Công viên văn hóa tâm linh' bậc nhất tại vùng Đông Nam Bộ. Nơi đó không chỉ là nơi an nghỉ lý tưởng cho người đã khuất mà còn là một không gian văn hóa tâm linh kết nối cộng đồng dành cho các gia đình, dòng tộc khu vực phía Nam.

Bắt đầu bằng quy hoạch và ý tưởng sản phẩm

Một dự án nếu muốn phát triển trong dài hạn bắt buộc phải đầu tư cho yếu tố quy hoạch dự án và xây dựng ý tưởng sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Dự án có 4 khu đồi với tên gọi rất nhẹ nhàng Đồi Bình Minh, Phương Nam, An nhiên, Tây thiên... được phân kỳ đầu tư theo giai đoạn. Rồi sản phẩm cũng đa dạng theo nhu cầu gồm đơn viên, song viên và gia viên từ phổ thông đến cao cấp. Mẫu mã cũng được lựa chọn đồng bộ, có không gian cho mảng xanh. Khu vực cảnh quan có hồ Đa phúc, Đa Lộc, có sông, có chùa An Viên, có đền thờ liệt sĩ, đền thờ trăm họ, khu vực công viên cho gia đình nghỉ chân và các dịch vụ đi kèm. Mình mong muốn tạo nên một không gian công viên đúng nghĩa không chỉ là nơi an nghỉ cho người đã khuất mà còn cho cả người thân gia đình họ cảm thấy thư giãn, thoải mái nhẹ nhàng mỗi khi ghé thăm. Một bộ tài liệu giới thiệu dự án chỉnh nhu nhất đã được chuẩn bị, trong đó mình thích nhất là đoạn phim ngắn kể về câu chuyện của một gia đình nhỏ đến thăm mộ phần ông bà vào cuối tuần, nó nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi thư thái và ấm áp.

Đại diện thương hiệu

Cách để một dự án được nhiều người biết đến là quảng bá thông qua các nhân vật nổi tiếng làm đại diện hình ảnh hay giới thiệu về nó. Nhưng đại diện cho một dự án công viên nghĩa trang thật không dễ thuyết phục chút nào... nhưng mà tự tin thì mình có thừa.

Về khía cạnh văn hóa lịch sử mình đã mời nhà sử học Dương Trung Quốc vào thực địa tại dự án, giới thiệu về mô hình công viên văn hóa tâm linh và Ông đã rất ấn tượng và hào hứng không ngần ngại giúp đỡ giới thiệu, quảng bá.

Nhân vật công chúng thứ 2 mình tìm đến là Cô ca sĩ Hương Lan được nhiều người mến mộ. Khi Cô Chú đến An viên Vĩnh Hằng tận mắt thấy đã thốt lên thích thú, rất tâm đắc và tình nguyện làm đại sứ thương hiệu mà không nhận bất cứ một thù lao nào. Khi về Mỹ Cô còn nhiệt tình mang theo tài liệu, đĩa tư liệu để tranh thủ giới thiệu cho bà con Việt Kiều. Cô còn nhờ Thúy Nga Paris làm giúp clip quảng cáo cho dự án. Đời thiệt quá dễ thương khi mình may mắn gặp những con người như vậy.

Về phong thủy Chủ đầu tư đã mời hẳn thầy phong thủy nổi tiếng của Malaysia bay sang để xem giúp thế đất và bố trí các khu vực quy hoạch theo địa thế hưng cát. Phong thủy âm trạch là cực kỳ quan trọng nên tuyệt đối không thể qua loa.

Hướng về nguồn cội - Ngày hội của các dòng tộc Việt

Hiếu nghĩa tình thâm, gia đình dòng tộc là điều thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi người. Có khoảng 200 dòng họ lớn nhỏ tại Việt Nam, theo dòng lịch sử các dòng họ di cư vào Nam rất nhiều. Rồi những người con xa xứ thường hay họp lại theo từng nhóm nhỏ, cũng có trưởng họ, cũng có họp mặt nhưng họ nào theo họ đó, ít có dịp gặp gỡ nhau. Và thế là mình quyết định tổ chức một ngày hội giao lưu các dòng họ khu vực phía Nam với chủ đề 'Hướng về nguồn cội'. Thực tình lúc có ý nghĩ đó mình cũng không dám chắc có làm nổi không vì kết nối các dòng họ lại là việc không đơn giản. Mình tìm hiểu và lần mò đến hội gia phả và dòng tộc do Bác Võ Ngọc An chủ trì, mình chia sẻ với Bác về một công viên văn hóa tâm linh dành cho trăm họ và ý định làm ngày hội gặp gỡ, giao lưu các dòng họ phía Nam. May mắn các Bác, các Chú trong hội gia phả hoàn toàn ủng hộ và thông qua hội gia phả mình đã kết nối được với đại diện các dòng họ phía Nam.

Tháng 12/2011, một chương trình gặp gỡ giao lưu các dòng họ lần đầu tiên được tổ chức tại Dinh Thống Nhất với khoảng 500 người đại diện cho các dòng họ phía Nam tham dự. Hội trường chật kín, những mái đầu tóc bạc phơ gương mặt rạng ngời. Có Bác lớn tuổi đi không nổi nhưng vẫn nhờ con cháu theo dìu để đến dự. Chương trình có sự tham dự của các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện hội gia phả dòng tộc ...đến tọa đàm, chia sẻ. Mình còn liên hệ với thư viện quốc gia mượn mấy chục cuốn gia phả của các dòng họ lớn làm góc trưng bày ở cuối hội trường. Nhìn những bàn tay run run lật từng cuốn gia phả họ Trần, họ Lê, họ Nguyễn... mình thật xúc động và thấy xứng đáng để mình bỏ bao công sức tổ chức. Ai cũng xúc động, ai cũng rưng rưng khi tìm về nguồn cội của mình. Sau đó khá lâu mình ghé thăm nhà giáo sư Mạc Đường, trưởng dòng họ Mạc và thật ngạc nhiên là tại phòng khách có một hình phóng lớn trang trọng của An Viên Vĩnh Hằng. Mình biết mình đã thành công khi một sản phẩm có thể chạm được vào điều sâu nhất của trái tim, làm cho người ta tự hào khi nghĩ về nó, khi sở hữu nó.

Mình đã tâm huyết và gắn bó với hội gia phả đến nỗi khi Hội nâng lên thành Viện nghiên cứu gia phả, các Bác đã đề xuất mình làm phó Viện thường trực điều hành luôn chứ nếu mà không đi nước ngoài dám mình đã còn tiếp tục với vai trò Viện phó Viện gia phả... Mình rất biết ơn những cộng sự, những nhân viên yêu quý đã đồng hành cùng mình qua chặng đường khó khăn này. Rất nhiều tâm huyết và quyết tâm mình đã vượt qua được thử thách đáng nhớ này. Không chỉ là một sản phẩm, cái mà mình mong muốn đem đến cho khách hàng của mình chính là giá trị vượt thời gian mà mãi sau này họ vẫn còn tự hào về nó.

Hy vọng không phiền mọi người vì câu chuyện khá dài nhưng kể ngắn quá thì không hình dung và diễn tả hết được. Mong mọi người hết sức thông cảm nhen...