Báo cáo mới nhất về công trình xanh do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện ước tính tới năm 2030, giá trị đầu tư của các công trình xanh tại những thành phố mới nổi toàn thế giới sẽ lên tới 24.700 tỉ USD.

Phần lớn con số này đến từ Đông và Nam Á, nơi cư ngụ của hơn 1/2 dân số toàn cầu trong 10 năm tới. Riêng thị trường công trình xanh Việt Nam ước có giá trị 60 tỉ USD vào năm 2030.

Cú hích cho giá trị khổng lồ này đến từ thực trạng tăng dân số và tỷ lệ đô thị hóa ngày một cao. Bà Alzbeta Klein, giám đốc bộ phận kinh doanh khí hậu của IFC dự đoán đến năm 2060, số mét vuông sàn của các tòa nhà cao tầng sẽ tăng gấp đôi.

Bên cạnh chi phí vận hành thấp hơn nhờ tiêu thụ ít nhiên liệu hơn và mang lại lợi tức cao hơn. Hội đồng Kinh doanh công trình xanh thế giới tính toán các tòa nhà xanh có thể giảm chi phí vận hành xuống 37%, tăng lợi nhuận lên 31% trong khi thời gian bán cũng ngắn hơn. "Nhiều trường hợp thực tiễn cũng chỉ ra rằng so với các bất động sản thông thường, công trình xanh là khoản đầu tư mang giá trị cao với rủi ro thấp hơn," theo bà Alzbeta Klein.

Nhìn từ góc độ kinh tế - xã hội, việc xây dựng các tòa nhà xanh sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế ít carbon, tạo ra cơ hội việc làm mới trong khi cải thiện an ninh năng lượng, chất lượng không khí và nâng cao sức khỏe của cộng đồng.

Đóng góp phần lớn nhất cho giá trị đầu tư của công trình xanh là các tòa chúng cư với tổng giá trị lên tới 15.700 tỉ USD. Đây cũng là loại bất động sản chiếm tới 75% năng lượng sử dụng bởi các tòa nhà trên toàn cầu, tuy nhiên hiện mới một nửa số tiền đầu tư đổ vào các công trình xanh.

Riêng tại Việt Nam, theo Hiệp hội công trình xanh Việt Nam, năm 2019 ghi nhận 19 dự án đăng ký và 16 dự án được cấp chứng nhận LEED - hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC) phát triển. Như vậy số công trình xây dựng đạt chứng nhận LEED là 70 dự án, 60% trong số đó là các dự án ngành công nghiệp, theo sau là văn phòng (23%) và nhà xưởng (6%).

Theo tính toán của LOTUS - hệ thống tiêu chí công trình xanh được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), năm 2019 có tổng cộng 13 dự án đăng ký đánh giá để cấp chứng nhận công trình xanh LOTUS với tổng diện tích sàn 242.716 m2. Có 4 dự án đã được cấp chứng chỉ đứa tổng số dự án LOTUS đã đạt chứng nhận lên 25.

Tuy vậy nhìn vào thực tế con số công trình xanh tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Theo số liệu của CBRE, tính đến tháng 12.2018, Việt Nam mới có 104 dự án tương đương với gần 2,5 triệu m2 sàn nhận được chứng nhận công trình xanh, trong khi có đến 58 triệu m2 sàn diện tích được xây dựng trong năm 2018.

Theo IFC, nguyên nhân đầu tiên nằm ở hạn chế kỹ thuật trong việc xây dựng, vận hành và duy trì các tòa nhà xanh. Ngoài ra, hạn chế về kiến thức cũng như tình trạng thiếu sự tham gia quyết liệt của chính phủ để thúc đẩy xây dựng công trình xanh cũng là một rào cản lớn.

“Khu vực tư nhân, chính phủ và các tổ chức tài chính cần phải làm việc cùng nhau để chuyển đổi ngành bất động sản, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, nơi hầu hết các công trình xanh sẽ mọc lên và cũng là nơi chịu tác động lớn nhất của xu hướng này,” giám đốc bộ phận kinh doanh khí hậu của IFC nhận định.

Chính phủ cần cung cấp các khung pháp lý và chiến lược để giải quyết các rào cản của thị trường và khuyến khích phong trào xây dựng xanh. Ngoài ra các ngân hàng và tổ chức tài chính cần cơ chế cho vay hỗ trợ công trình xanh ngày một lan tỏa, theo bà Alzbeta Klein.

Theo Forbes Việt Nam

Link bài gốc: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/world-bank-cong-trinh-xanh-mang-lai-co-hoi-dau-tu-24700-ti-usd-trong-10-nam-toi-9049.html