Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với nguồn vốn ODA vay từ Trung Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008, trong đó vốn của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD, vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 800 triệu USD, đội vốn 250 triệu USD.

Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông được trang bị 13 đoàn tàu với hệ thống cung cấp điện từ ray thứ 3, có độ an toàn và ổn định cao cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị. Đầu tàu là loại cabin lái hai chiều và có thể đổi chiều mà không cần quay đầu. Chiều dài trung bình toa xe là khoảng 20m với 4 cửa mỗi bên.

Ngày 5/6/2019, chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến xử lý trách nhiệm khi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Nội đã đội vốn, chậm tiến độ nhiều năm nhưng chưa biết khi nào đưa vào sử dụng và khai thác thương mại.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thực tế các dự án đường sắt trong thời gian vừa qua hầu như không làm mới, do cán bộ ngành đường sắt hiện nay trình độ thực tiễn hạn chế, tư vấn cũng hạn chế. Khi triển khai các dự án đường sắt thường lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề.

Đối với dự án đường sắt Hà Nội, Bộ trưởng cho biết có liên quan đến tổng thầu. Tổng thầu của Trung Quốc nằm trong hiệp định. Khi ký hiệp định vay với Trung Quốc, bên Trung Quốc đã chỉ định nhà tổng thầu thực hiện dự án này.

"Không phải chúng ta thi tuyển, chúng ta chọn mà đã nằm trong hiệp định. Khi thực hiện thấy tổng thầu này xây dựng đường sắt rất tốt, nhưng vận hành đường sắt thiếu kinh nghiệm. Bởi vì, khi thi công đường sắt với vận hành các tàu đường sắt đô thị nó khác nhau", Bộ trưởng chia sẻ.

 

Tại Hà Nội, ngay sau khi đề án xây dựng hai tuyến đường sắt trên cao là Hà Đông – Cát Linh và Nhổn – ga Hà Nội được công bố, đã kéo giá bất động sản tại các khu vực phía Tây Hà Nội và hai bên tuyến đường chạy qua lên cao. Thậm chí, thời điểm đó, thông tin này còn làm sống lại nhiều dự án đã "đắp chiếu" từ lâu.

Thật vậy, thị trường thời gian qua đã ghi nhận lương giao dịch đột phá tại một số dự án như Khu đô thị mới Văn Phú, FLC Star Tower, TNR GoldSeason và sắp tới đây là chắc chắn sẽ là Vinhomes Smart City Nguyễn Trãi… đều có một phần nguyên nhân do nằm gần tuyến đường sắt cao tốc trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Lý giải về điều này, giới chuyên gia cho rằng loại hình giao thông mới này sẽ giúp cải thiện tình hình giao thông đô thị, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm không khí, nhất là cư dân sống gần đó sẽ dễ dàng di chuyển nhanh chóng đến các điểm quan trọng, chất lượng đời sống được nâng cao.

Dọc theo tuyến Cát Linh - Hà Đông có nhiều tuyến đường chính có cư dân đông đúc thuộc quận Đống Đa như đường Vũ Thạnh, Hào Nam, An Trạch (thuộc phường Cát Linh); đường Đặng Tiến Đông, Thái Hà (thuộc phường Trung Liệt); đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa) và đường Nguyễn Viết Xuân (thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông). Trong đó, khảo sát cho thấy khu vực hiện có giá cao nhất chính là đường Thái Hà với giá bán xấp xỉ 400 triệu đồng/m2.

Nguồn: thitruongdiaoc.vn